Tăng số trẻ tối đa trong 1 nhóm, lớp mẫu giáo tư thục lên 70 trẻ

Đây là quy định được Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra tại Thông tư 13/2018/TT-BGDĐT ngày 30/05/2018 về sửa đổi, bổ sung Điều 14 của Quy chế tổ chức và hoạt động trường mầm non tư thục ban hành kèm theo Thông tư 13/2015/TT-BGDĐT.

Cụ thể, số trẻ em trong nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục không quá 70 trẻ. Trẻ em trong mỗi nhóm trẻ, lớp mẫu giáo được tổ chức theo độ tuổi và số lượng theo quy định tại Điều lệ trường mầm non. Trước đây, Thông tư 13 quy định số trẻ em trong 01 nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục là không quá 50 trẻ.

Quy chế tổ chức và hoạt động trường mầm non tư thục mới cũng ghi nhận nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục là cơ sở giáo dục khác thuộc hệ thống giáo dục quốc dân. Cơ cấu tổ chức bao gồm: Chủ nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục; tổ trưởng tổ chuyên môn; giáo viên, nhân viêc và các nhóm trẻ, lớp mẫu giáo. Tổ trưởng chuyên môn phải có bằng tốt nghiệp trung cấp sư phạm mầm non trở lên.

Tăng số trẻ tối đa trong 1 nhóm, lớp mẫu giáo tư thục lên 70 trẻ

Tổ chức nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục (Ảnh minh họa)

Ngoài ra, đối với những nơi mạng lưới cơ sở giáo dục mầm non chưa đáp ứng đủ nhu cầu đưa trẻ em tới trường, lớp, các cá nhân có thể tổ chức nhóm trẻ nhằm đáp ứng nhu cầu nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ em của cha mẹ và phải đăng ký hoạt động với UBND cấp xã, bảo đảm các điều kiện sau:

“a) Số lượng trẻ em trong nhóm trẻ tối đa là 07 trẻ em;

b) Người chăm sóc trẻ em có đủ sức khỏe, không mắc bệnh truyền nhiễm, đủ năng lực chịu trách nhiệm dân sự và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em theo quy định;

c) Cơ sở vật chất phải bảo đảm các điều kiện tối thiểu như sau: Phòng nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ em có diện tích tối thiểu là 15 m2; bảo đảm an toàn, thoáng, mát; có đồ dùng, đồ chơi an toàn, phù hợp lứa tuổi của trẻ em; có đủ đồ dùng cá nhân phục vụ trẻ em ăn, uống, ngủ, sinh hoạt và các thiết bị phục vụ nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ em; có đủ nước uống cho trẻ em hằng ngày; có phòng vệ sinh và thiết bị vệ sinh phù hợp với trẻ em; có đủ nước sạch cho trẻ em dùng; có bản thỏa thuận với phụ huynh về việc nhận nuôi dưỡng, chăm sóc và bảo đảm an toàn cho trẻ em tại nhóm trẻ; có tài liệu hướng dẫn thực hiện chăm sóc, giáo dục trẻ em.”

(Khoản 6 Điều 10 Nghị định 46/2017/NĐ-CP)

UBND cấp xã chỉ đạo tổ chức kiểm tra (thường xuyên, đột xuất) hoạt động của các nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục và nhóm trẻ; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi sai phạm theo quy định hiện hành.

Thông tư này có hiệu lực từ ngày 15/07/2018.

LuatVietnam

Đánh giá bài viết:
Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi 19006192

Tin cùng chuyên mục