Để giải quyết tình trạng ô nhiễm không khí này càng nghiêm trọng ảnh hưởng đến sức khỏe người dân, tại Thông báo 153/TB-VPCP năm 2025, Chính phủ đã yêu cầu các Bộ, ngành, cơ quan liên quan tập trung triển khai các giải pháp cụ thể.
Đối với UBND TP Hà Nội, UBND TP Hồ Chí Minh khẩn trương triển khai các nhiệm vụ giải pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm để trong 05 năm tới đạt mục tiêu chỉ số ô nhiễm không khí (AQI) ở ngưỡng an toàn với sức khỏe con người, cụ thể:
- Kiểm kê nguồn thải và đánh giá thực trạng môi trường không khí, xây dựng kế hoạch hành động 5 năm và hàng năm với các chỉ tiêu rõ ràng, giao nhiệm vụ cụ thể để giảm khí thải và đạt được chỉ số ô nhiễm không khí (AQI) an toàn với sức khỏe con người.
- Ban hành các chính sách hỗ trợ cho hoạt động thu gom, tái chế chất thải rắn xây dựng, khuyến khích người dân sử dụng phương tiện giao thông công cộng và chuyển đổi sang phương tiện xanh, ít phát thải.
- Xây dựng và tổ chức thực hiện các tiêu chuẩn về khí thải tại địa phương theo hướng cao hơn so với tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia.
- Thực hiện lộ trình chuyển đổi xanh trong giao thông công cộng, thu hồi và loại bỏ phương tiện cơ giới cũ, nát không đủ tiêu chuẩn lưu hành gây ô nhiễm.
- Giảm thiểu khí thải và bụi phát tán từ các hoạt động xây dựng và phát triển đô thị; áp dụng các giải pháp theo dõi và giám sát từ xa các hoạt động liên quan đến thu gom, vận chuyển, đổ thải, xử lý chất thải xây dựng.

Một trong những biện pháp quan trọng để xử lý nghiêm các hành vi vi phạm là tăng cường thẩm quyền xử phạt cho cấp phường, xã và công an cấp cơ sở. Cụ thể:
- Các địa phương cần kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, đặc biệt là những hành vi vi phạm trong các hoạt động xây dựng, thu gom và xử lý chất thải.
- Tăng cường giám sát và thanh tra việc tuân thủ các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường.
- Đề xuất sửa đổi, bổ sung các mức phạt vi phạm hành chính theo hướng tăng nặng để răn đe các đối tượng vi phạm.