Theo đó, tại Công văn 6495/BYT-ATTP, Bộ Y tế đề nghị Sở Y tế các tỉnh/thành phố thuộc Trung ương, Sở An toàn thực phẩm thành phố Hồ Chí Minh, Ban Quản lý An toàn thực phẩm thành phố Đà Nẵng, tỉnh Bắc Ninh phối hợp với các cơ quan chức năng có liên quan khẩn trương triển khai thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, cụ thể:
- Chủ động xây dựng Kế hoạch, biện pháp triển khai thực hiện công tác phòng ngừa, ngăn chặn và khắc phục sự cố về an toàn thực phẩm, nhất là phòng ngừa nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm; kịp thời chấn chỉnh các hạn chế, bất cập (nếu có).
- Thường xuyên đôn đốc, kiểm tra việc tổ chức thực hiện công tác này tại các địa phương, nhất là tại các địa bàn trọng điểm, các đô thị lớn, các khu du lịch... nơi có nhiều bếp ăn tập thể, cơ sở dịch vụ ăn uống dành cho công nhân, học sinh, khách du lịch...; hạn chế đến mức thấp nhất nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm.
- Phối hợp với các cơ quan truyền thông đẩy mạnh việc thông tin, đa dạng hình thức tuyên truyền về nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm và phòng ngừa ngộ độc thực phẩm, nhất là tại các điểm, khu du lịch, bếp ăn tập thể của trường học, khu công nghiệp, khu chế xuất, thức ăn đường phố.
Bên cạnh đó, tiếp tục thực hiện đầy đủ, có hiệu quả các biện pháp giám sát các nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm, thông tin và cảnh báo nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm do vi sinh vật, độc tố tự nhiên (đặc biệt các địa phương hay xảy ra ngộ độc do cóc, nấm độc, cá nóc...).
Tăng cường kiểm tra việc chấp hành pháp luật về an toàn thực phẩm, lưu ý tăng cường chỉ đạo việc kiểm tra đột xuất, nhất là tại các khu vực có nguy cơ cao, xử lý nghiêm các vi phạm theo quy định.
Ngoài ra, cần tăng cường tổ chức tập huấn, phổ biến các quy định của Pháp luật về bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng ngừa ngộ độc thực phẩm tại bếp ăn tập thể của khu công nghiệp, khu chế xuất, trường học..; tổ chức diễn tập và chuẩn bị các phương án cấp cứu, điều trị kịp thời cho người bị ngộ độc thực phẩm,…
Công văn 6495/BYT-ATTP được ban hành ngày 22/10/2024.