Nếu như trước đây, Luật Cư trú số 81/2008/QH11 quy định một trong những trường hợp được đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc trung ương là: Công dân có chỗ ở hợp pháp và đã tạm trú liên tục tại thành phố đó từ một năm trở lên; thì Luật sửa đổi, bổ sung này đã điều chỉnh như sau: Công dân có chỗ ở hợp pháp, nếu đăng ký thường trú vào huyện, thị xã thuộc thành phố trực thuộc trung ương thì phải có thời gian tạm trú tại thành phố đó từ 01 năm trở lên; nếu đăng ký thường trú vào quận thuộc thành phố trực thuộc trung ương thì phải có thời gian tạm trú tại thành phố từ 02 năm trở lên.
Bên cạnh đó, trong trường hợp công dân đăng ký thường trú vào chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ nhà của cá nhân, tổ chức, ngoài việc đáp ứng điều kiện được người cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ đồng ý bằng văn bản, thì còn phải đảm bảo diện tích bình quân của chỗ ở đó theo quy định của Hội đồng nhân dân thành phố và có xác nhận của UBND xã, phường, thị trấn về điều kiện diện tích bình quân.
Một điều chỉnh đáng chú ý khác của Luật này là quy định đại diện gia đình, nhà ở tập thể, cơ sở chữa bệnh, khách sạn, nhà nghỉ, cơ sở khác khi có người đến lưu trú phải có trách nhiệm thông báo việc lưu trú với Công an xã, phường, thị trấn (thay vì quy định người đến cư trú từ đủ 14 tuổi trở lên thì đại diện gia đình, nhà ở tập thể, cơ sở chữa bệnh, khách sạn, nhà nghỉ mới cần thông báo). Đồng thời, Luật này cũng bổ sung thêm quy định về trường hợp chủ gia đình, nhà ở tập thể không đăng ký thường trú tại địa bàn xã, phường, thị trấn đó thì người đến lưu trú có trách nhiệm đến thông báo việc lưu trú với Công an xã, phường, thị trấn.
Luật này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2014.