Nội dung này được Chính phủ ban hành tại Nghị định số 21/2021/NĐ-CP quy định thi hành Bộ luật Dân sự về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ.
Theo đó, Điều 8 Nghị định này liệt kê các loại tài sản dùng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ bao gồm:
- Tài sản hiện có hoặc tài sản hình thành trong tương lai, trừ trường hợp Bộ luật Dân sự, luật khác liên quan cấm mua bán, cấm chuyển nhượng hoặc cấm chuyển giao khác về quyền sở hữu tại thời điểm xác lập hợp đồng bảo đảm, biện pháp bảo đảm;
- Tài sản bán trong hợp đồng mua bán tài sản có bảo lưu quyền sở hữu;
- Tài sản thuộc đối tượng của nghĩa vụ trong hợp đồng song vụ bị vi phạm đối với biện pháp cầm giữ;
- Tài sản thuộc sở hữu toàn dân trong trường hợp pháp luật liên quan có quy định.
4 loại tài sản bảo đảm thực hiện nghĩa vụ từ 15/5/2021 (Ảnh minh họa)
Trong khi đó, hiện nay, theo quy định tại khoản 2 Điều 1 Nghị định số 11 năm 2012, Chính phủ chỉ định nghĩa tài sản bảo đảm:
Tài sản bảo đảm là tài sản hiện có hoặc tài sản hình thành trong tương lai mà pháp luật không cấm giao dịch.
Như vậy, từ ngày 15/5/2021, Chính phủ bổ sung thêm ba loại tài sản dùng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ so với quy định hiện nay.
Ngoài ra, một nghĩa vụ có thể được bảo đảm thực hiện bằng nhiều biện pháp bảo đảm. Đồng thời, một nghĩa vụ cũng có thể được bảo đảm thực hiện bằng nhiều tài sản. Phạm vi thực hiện nghĩa vụ của từng tài sản trong số các tài sản bảo đảm được xác định theo thỏa thuận của các bên. Nếu không thỏa thuận được thì bất kỳ tài sản nào trong số đó được dùng để bảo đảm thực hiện toàn bộ nghĩa vụ.
Nghị định này được ban hành ngày 19/3/2021 và có hiệu lực từ ngày 15/5/2021.