Theo khoản 2 Điều 3 Luật sửa đổi Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu 2024 đã sửa đổi, bổ sung Điều 4 Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư 2020 về lĩnh vực đầu tư theo phương thức PPP và phân loại dự án PPP.
Theo đó, dự án đầu tư theo phương thức PPP được thực hiện trong các ngành, lĩnh vực đầu tư công nhằm mục đích đầu tư, xây dựng công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng, cung cấp sản phẩm, dịch vụ công, trừ dự án thuộc trường hợp dưới đây:
- Dự án thuộc trường hợp độc quyền nhà nước theo quy định của pháp luật;
- Dự án thuộc ngành, lĩnh vực quốc phòng, an ninh và trật tự, an toàn xã hội theo quy định của pháp luật về đầu tư công.
Dự án PPP được phân loại theo thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư bao gồm:
- Dự án thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Quốc hội;
- Dự án thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ;
- Dự án thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Bộ trưởng, người đứng đầu cơ quan trung ương, cơ quan khác quy định tại khoản 1 Điều 5 Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư 2020;
- Dự án thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh;
- Dự án thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; (bổ sung mới)
- Dự án không thuộc trường hợp phải quyết định chủ trương đầu tư, gồm các dự án quy định tại các khoản 2a, 2b và 2c Điều 11 Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư 2020 (bổ sung mới).
Hiện hành, lĩnh vực đầu tư theo phương thức PPP gồm:
- Giao thông vận tải;
- Lưới điện, nhà máy điện, trừ nhà máy thủy điện và các trường hợp Nhà nước độc quyền theo quy định của Luật Điện lực 2004;
- Thủy lợi; cung cấp nước sạch; thoát nước và xử lý nước thải; xử lý chất thải; phát triển, tích trữ nước và phục hồi nguồn nước;
- Y tế; giáo dục - đào tạo;
- Hạ tầng công nghệ thông tin.
Luật sửa đổi Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu 2024, số 57/2024/QH15 có hiệu lực từ ngày 15/01/2025.