Sử dụng ảnh đời tư cá nhân phải xin phép

Sử dụng ảnh đời tư cá nhân phải xin phépLuật chưa cụ thể khi nào dùng hình ảnh cá nhân không phải xin phép nên người sử dụng lúc nào cũng dễ bị coi là phạm luật. Xung quanh vấn đề này, Nguyên Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Đình Lộc vừa có cuộc trao đổi với VietNamNet.

 

- Quy định sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được sự đồng ý của người đó, nếu dưới 15 tuổi thì phải có sự đồng ý của gia đình... có khả thi, thưa ông?

 

- Quy định như thế là chặt chẽ, phản ánh tình trạng lâu nay sử dụng hình ảnh cá nhân hơi dễ dãi. Nhưng theo tôi, đúng là phải tính đến tính khả thi. Hình ảnh trong sinh hoạt bình thường, chẳng hạn tường thuật về một hội thảo nào đó, mình lên phát biểu, người ta chụp đưa lên báo thì cũng phải xin phép à? Hoặc trong sinh hoạt nào đấy có hình ảnh cá nhân như lễ hội, mít tinh... thì như thế nào?

Thật ra sử dụng hình ảnh phải xin phép là thuộc về đời tư của người ta. Bộ luật Dân sự hiện hành cũng đã quy định rồi nhưng chưa nghiêm.

 

- Nhưng với quy định như vậy cũng chưa đầy đủ và chưa thực hiện được?

 

- Ý tôi muốn nói là tính khả thi. Tức là có chuyện phiền phức cho người có hình ảnh. Chẳng hạn bây giờ hình ảnh của một đồng chí lãnh đạo, hàng chục báo đưa thì đều phải đến xin phép à?

 

- Quy định trong dự thảo Bộ luật về quyền của cá nhân đối với hình ảnh có ''đuôi'' là ''trừ trường hợp pháp luật quy định'', vậy pháp luật quy định ở đâu?

 

- Cái đó tôi không thích lắm! Như thế người sử dụng luôn luôn ở trong tình trạng nơm nớp không biết đã hết các quy định chưa. Một người làm thế nào theo dõi hết những quy định của pháp luật liên quan đến vấn đề ấy? Rồi thì hôm nay quy định thế này mai còn bổ sung thế khác? Như thế tạo ra tình trạng không ổn định về mặt tâm trạng giữa người trong giao lưu dân sự với nhau. Tôi rất mong là nên bỏ cách quy định ấy đi.

 

- Hiện nay đã có quy định trường hợp nào sử dụng hình ảnh cá nhân không phải xin phép?

 

- Chưa, cho đến bây giờ chưa có. Hôm qua (Quốc hội thảo luận về dự thảo Bộ luật Dân sự sửa đổi), có đồng chí phát biểu, kỳ này cái số ''theo quy định của pháp luật'' còn hơn bộ luật hiện hành. Bằng cách đó chúng ta biến luật thành luật khung trong khi trên thực tế không có luật nào quy định thêm nữa. Nhưng như thế tạo nên tâm trạng: ''À, luật này vẫn đang là luật khung! Mới khung thế này còn chờ quy định cụ thể''.

 

- Theo ông, những trường hợp nào sử dụng hình ảnh không phải xin phép?

 

- Đấy là tuỳ vào  tính chất của việc sử dụng hình ảnh. Có lẽ được sử dụng là những hình ảnh trong sinh hoạt chung như tôi đã nói. Trường hợp sử dụng hình ảnh cá nhân đụng chạm đến đời tư người ta thì phải xin phép.

 

- Vừa qua, có việc sử dụng hình ảnh đời tư của cá nhân, người mẫu đưa lên lên mạng Internet...?

 

- Cái đó là ''trộm'' rồi! Cách làm không đẹp và động cơ không tốt! Như thế có thể bị kiện. Báo chí lâu nay cũng phải nghĩ mình chưa chặt chẽ với bản thân mình lắm!

 

- Tương tự, bảo vệ quyền bí mật đời tư lâu nay đã làm khó các nhà văn, nhà báo, nhà viết sử sử dụng tư liệu về cá nhân trong lịch sử?

 

- Vấn đề là phải có thời hiệu của nó. Ngay bây giờ quyền xuất bản cũng thế! Tác giả đã chết bao năm rồi thì tác phẩm tự nhiên trở thành một tài sản chung và mọi người đều có thể sử dụng. Chẳng hạn, giữ bí mật đời tư thì làm sao tìm ra người thân. Chẳng hạn trước ở Việt Nam sau người ta sang Mỹ thì tìm thế nào?

 

- Hiện nay đã có quy định thời hiệu...?

 

- Mới quyền sử dụng tác phẩm có quy định thời hiệu trong luật về quyền tác giả.

 

- Nhưng còn tư liệu lịch sử về đời tư của cá nhân?

 

- Tư liệu lịch sử thì dùng tư nhiên chứ việc gì phải xin phép ai nữa! Vấn đề là anh trích, nói từ đâu, nguồn gốc thế nào. Trừ tài liệu mật lại khác.

 

- Nhưng có chuyện người viết sử về dòng họ, cá nhân nào đó nhưng con cháu của họ kiện xâm phạm bí mật đời tư?

 

- Vấn đề là anh tìm, trích tư liệu đó từ đâu. Nếu nó là nguồn tài liệu bí mật anh trích không xin phép ai cả, không xin phép gia đình thì rõ ràng trái luật. Nhưng còn tài liệu mọi người được sử dụng được thì việc gì phải xin phép. Chẳng hạn, tư liệu để trong thư viện mà lâu nay không ai đụng chạm tự nhiên anh lục ra thì anh sử dụng bình thường.

 

- Trong luật, có trường hợp thu thập, công bố, sử dụng thông tin về bí mật đời tư theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền, là cơ quan nào?

 

- Phải chờ luật quy định. Cơ quan có thẩm quyền là cơ quan trực tiếp quản lý vấn đề đó. Có thể là Bộ Văn hoá Thông tin. Đó là công thức rất chung. Cái gọi là cơ quan có thẩm quyền cũng chỉ là cách gọi cho nói qua mà thôi, chứ chưa đề cao đầy đủ trách nhiệm của người quy định.

 

- Tới đây mình phải cụ thể hoá?

 

- Trong trường hợp đó phải rất cụ thể! Vì dân có thể làm tất cả những gì pháp luật không cấm.

 

- Xin cảm ơn ông!

Điều 25: Quyền nhân thân của cá nhân bị xâm phạm - Trích dự thảo Bộ luật Dân sự sửa đổi

 

1. Tự mình cải chính;

2. Yêu cầu người vi phạm hoặc yêu cầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền buộc người vi phạm chấm dứt hành vi vi phạm, xin lỗi, cải chính công khai;

3. Yêu cầu người vi phạm hoặc yêu cầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền buộc người vi phạm bồi thường thiệt hại.

 

Điều 31: Quyền của cá nhân đối với hình ảnh - Trích dự thảo Bộ luật Dân sự sửa đổi

 

Cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình. Việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý; trong trường hợp người đó đã chết, mất năng lực hành vi dân sự, chưa đủ 15 tuổi thì phải được sự đồng ý của cha, mẹ, vợ, chồng, con đã thành niên hoặc người đại diện của người đó đồng ý, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

 

Điều 38: Quyền bí mật đời tư - Trích dự thảo Bộ luật Dân sự sửa đổi

Quyền bí mật đời tư của cá nhân được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ. Việc thu thập, công bố thông tin, tư liệu về đời tư của cá nhân phải được người đó đồng ý; trong trường hợp người đó đã chết, mất năng lực hành vi dân sự, chưa đủ 15 tuổi thì phải được sự đồng ý của cha, mẹ, vợ, chồng, con đã thành niên hoặc người đại diện của người đó đồng ý, trừ trường hợp thu thập, công bố thông tin, tư liệu theo quyết định của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.

 

(Văn Tiến - VietNamNet)

 

 

Đánh giá bài viết:

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục

Quốc hội thảo luận về dự thảo Luật Thương mại (sửa đổi)

Quốc hội thảo luận về dự thảo Luật Thương mại (sửa đổi)

Quốc hội thảo luận về dự thảo Luật Thương mại (sửa đổi)

Các đại biểu Quốc hội chiều Thứ bảy (7/5) đã cùng nhau ''mổ xẻ'' về dự thảo Luật Thương mại (sửa đổi). Nhiều đại biểu nhật xét dự luật này như sách giáo khoa hay một tài liệu về thương mại, Luật thiếu chính sách thương mại cũng như tiếp cận những yêu cầu bức xúc của cuộc sống liên quan đến thương mại...

Hiến xác phải được sự đồng ý của gia đình

Hiến xác phải được sự đồng ý của gia đình

Hiến xác phải được sự đồng ý của gia đình

''Việc hiến xác, bộ phận cơ thể của người chết được thực hiện với sự đồng ý của cha, mẹ, vợ, chồng, con đã thành niên của người đó''. Đây là nội dung quan trọng Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã tiếp thu, đưa vào dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi), trình Quốc hội xem xét sáng 6/5.

Các nhà xuất bản được tự chủ trong việc tham gia in lịch blốc năm 2006

Các nhà xuất bản được tự chủ trong việc tham gia in lịch blốc năm 2006

Các nhà xuất bản được tự chủ trong việc tham gia in lịch blốc năm 2006

Bộ Văn hoá - Thông tin vừa có văn bản số 1187/HD-BVHTT hướng dẫn việc xuất bản và quản lý lịch năm 2006. Theo đó, đối với lịch blốc, các nhà xuất bản được tự chủ, tự quyết định việc tham gia hoặc không tham gia xuất bản lịch blốc, được tự chủ trong việc tham gia hoặc không tham gia các nhóm điều hành xuất bản lịch.

Hôm nay, Quốc hội khai mạc kỳ họp thứ 7

Hôm nay, Quốc hội khai mạc kỳ họp thứ 7

Hôm nay, Quốc hội khai mạc kỳ họp thứ 7

Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá XI sẽ chính thức khai mạc trọng thể vào 8h30 ngày hôm nay (5/5) tại Hội trường Ba Đình Hà Nội. Đáng chú ý, tại kỳ họp này sẽ bổ sung thêm dự án Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Luật Đầu tư chung, Luật Doanh nghiệp chung (dự kiến cho ý kiến vào kỳ họp cuối năm), các dự án pháp lệnh quản lý ngoại hối, tiêu chuẩn hoá cũng được bổ sung vào chương trình làm luật năm 2005 phục vụ cho đàm phán gia nhập WTO.