(LuatVietnam) Theo Chiến lược phát triển ngành cơ khí Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035, cơ khí được coi là ngành công nghiệp nền tảng với trọng tâm là cơ khí phục vụ sản xuất nông nghiệp, ô tô, thiết bị công trình công nghiệp, thiết bị điện và công nghiệp hỗ trợ…
Trong thời gian tới, sẽ tiếp tục sửa đổi, bổ sung các chính sách thúc đẩy ngành cơ khí bao gồm các ưu đãi về thuế (thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế nhập khẩu) các biện pháp hỗ trợ đầu tư và kinh doanh theo Luật Đầu tư theo hướng đơn giản hóa thủ tục hành chính.
Sẽ có thêm nhiều ưu đãi thuế đối với ngành cơ khí (Ảnh minh họa)
Nhà nước sẽ có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp mua thiết kế, công nghệ, đổi mới công nghệ, thiết bị sản xuất và mô hình quản lý sản xuất tiên tiến để nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, tài nguyên đầu vào, nâng cao năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh của sản phẩm cơ khí…
Cũng theo Chiến lược, Danh mục sản phẩm cơ khí trọng điểm giai đoạn từ năm 2017 đến năm 2025 gồm: Các loại thiết bị động lực; Các chủng loại xe ô tô; Thiết bị nâng hạ; Thiết bị nhà máy công nghiệp và thiết bị điện.
Trong đó, các chủng loại xe ô tô gồm: Xe ô tô nông dụng nhỏ đa chức năng; Xe ô tô chuyên dùng; Xe ô tô khách tầm trung và tầm ngắn chạy liên tỉnh, nội đô từ 10 chỗ trở lên; Xe tiết kiệm nhiên liệu, thân thiện môi trường.
Chiến lược này được ban hành kèm theo Quyết định 319/QĐ-TTg của Thủ tướng ngày 15/03/2018.
LuatVietnam