(LuatVietnam) Theo quy định tại Nghị định số 84/2009/NĐ-CP ngày 15/9/2009 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu, giá bán xăng dầu được thực hiện theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước. Thương nhân đầu mối được quyền quyết định giá bán buôn và có trách nhiệm tham gia bình ổn giá theo quy định của pháp luật hiện hành và được bù đắp lại những chi phí hợp lý khi tham gia bình ổn giá. Việc điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu được thực hiện theo nguyên tắc: thời gian giữa hai lần điều chỉnh giá liên tiếp tối thiểu là 10 ngày dương lịch đối với trường hợp tăng giá, tối đa là 10 ngày dương lịch đối với trường hợp giảm giá; khi điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu, thương nhân đầu mối đồng thời phải gửi quyết định giá và phương án giá của mình đến các cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Trường hợp các yếu tố cấu thành biến động làm cho giá cơ sở giảm trong phạm vi 12% (≤12%) so với giá bán lẻ hiện hành, thương nhân đầu mối phải giảm giá bán lẻ tương ứng; trường hợp các yếu tố cấu thành biến động làm cho giá cơ sở tăng trong phạm vi 7% (≤7%) so với giá bán lẻ hiện hành, thương nhân đầu mối được quyền tăng giá bán lẻ tương ứng. Nghị định này quy định, chỉ được phép lưu thông xăng dầu trên thị trường Việt Nam có chất lượng phù hợp với Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và Tiêu chuẩn công bố áp dụng. Thương nhân kinh doanh xăng dầu phải thực hiện các quy định hiện hành về quản lý chất lượng xăng dầu trong quá trình nhập khẩu, sản xuất, pha chế, tồn trữ, vận chuyển và bán cho người tiêu dùng; chịu trách nhiệm về chất lượng xăng dầu trong hệ thống phân phối thuộc mình quản lý; phải đảm bảo độ chính xác của dụng cụ đo lường xăng dầu bán cho các đối tượng sử dụng, bán đủ số lượng, đúng chất lượng.
Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/12/2009. Bãi bỏ Nghị định số 55/2007/NĐ-CP ngày 06/4/2007 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu, Quyết định số 04/2009/QĐ-TTg ngày 09/01/2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc trích quỹ bình ổn giá xăng dầu.