Yêu cầu rà soát, thống nhất quy định về đất đai sau sáp nhập tỉnh

Đây là chỉ đạo tại Công văn 1680/BNNMT-QLĐĐ về rà soát quy định trong lĩnh vực đất đai khi tổ chức chính quyền địa phương 02 cấp.

Theo đó, sau sắp xếp đơn vị hành chính, cả nước sẽ còn 34 tỉnh, gồm 28 tỉnh và 6 thành phố trực thuộc trung ương.

Đối với công tác quản lý nhà nước về đất đai, Luật Đất đai năm 2024 hiệu lực từ ngày 01/8/2024, trong đó nhiều nội dung được giao cho Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành văn bản hướng dẫn chi tiết để phù hợp với điều kiện từng địa phương.

Tuy nhiên, sau khi thực hiện sáp nhập các tỉnh, thành phố theo Đề án, trong phạm vi địa giới hành chính mới sẽ xuất hiện tình trạng không thống nhất giữa các quy định địa phương đã ban hành trước đó. Cụ thể như về:

- Thời gian giải quyết thủ tục hành chính.

- Mức bồi thường cây trồng, vật nuôi; mức hỗ trợ ổn định đời sống, tái định cư.

- Hạn mức giao đất, công nhận quyền sử dụng đất.

-  Điều kiện, diện tích tách thửa, hợp thửa từng loại đất.

- Tiêu chí đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư có sử dụng đất.

- Chính sách đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số.

- Mức thu nghĩa vụ tài chính về đất đai.

Tình trạng trên dễ dẫn đến so sánh thiệt - hơn giữa các địa phương, giữa người sử dụng đất, gây khó khăn trong công tác quản lý và thực thi chính sách đất đai thống nhất.

Rà soát, thống nhất quy định về đất đai sau sáp nhập tỉnh
Rà soát, thống nhất quy định về đất đai sau sáp nhập tỉnh (Ảnh minh họa)

Để khắc phục bất cập nêu trên, tại Công văn 1680/BNNMT-QLĐĐ (ban hành ngày 05/5/2025), Bộ Nông nghiệp và Môi trường đề nghị:

- Ban Chỉ đạo triển khai Đề án sắp xếp cấp tỉnh, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương chỉ đạo các cơ quan chuyên môn chủ động rà soát toàn bộ các quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai và các nghị định liên quan, thuộc thẩm quyền của địa phương.

- Sửa đổi, bổ sung các quy định theo hướng:

  • Thống nhất áp dụng chung một số chính sách đất đai trên địa bàn sau sáp nhập;
  • Hoặc ban hành quy định chính sách đặc thù cho từng khu vực;
  • Ban hành quy định chuyển tiếp để đảm bảo không gián đoạn, không tạo khoảng trống pháp lý trong giai đoạn chuyển giao.

Bên cạnh đó, lưu ý việc thực hiện cần bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất không bị ảnh hưởng.

Nếu còn vấn đề vướng mắc, bạn đọc vui lòng liên hệ tổng đài 19006192 để được hỗ trợ.
Đánh giá bài viết:
(1 đánh giá)
Bài viết đã giải quyết được vấn đề của bạn chưa?
Rồi Chưa
Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi 19006192

Tin cùng chuyên mục