Quy trình bầu Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố từ 15/8/2023

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 59/2023/NĐ-CP hướng dẫn Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, trong đó có quy định quy trình bầu Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố. 

Theo Nghị định này, việc bầu Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố được thực hiện như sau:

Bước 1: Công tác chuẩn bị

- Chủ tịch UBND cấp xã:

  • Ban hành quyết định tổ chức bầu Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố;

  • Cùng với Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã xây dựng kế hoạch, hướng dẫn nghiệp vụ, tổ chức triển khai kế hoạch chậm nhất 20 ngày trước ngày tổ chức cuộc họp của cộng đồng dân cư để bầu Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố.

  • Ban bành quyết định thành lập Tổ bầu cử chậm nhất 10 ngày trước ngày tổ chức cuộc họp của cộng đồng dân cư để bầu Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố sau khi thống nhất với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã.

Trong đó, Tổ bầu cử gồm: Đại diện Ban công tác Mặt trận ở thôn, tổ dân phố làm Tổ trưởng; thành viên là đại diện các tổ chức đoàn thể, chính trị - xã hội và đại diện hộ gia đình ở thôn, tổ dân phố (không phải là người ứng cử Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố).

Các quyết định phải được thông báo đến nhân dân ở thôn, tổ dân phố, niêm yết tại nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng của thôn, tổ dân phố và thông báo trên hệ thống truyền thanh… chậm nhất 07 ngày trước ngày bầu cử.

Quy trình bầu Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố từ 15/8/2023
Quy trình bầu Trưởng thôn Tổ trưởng tổ dân phố từ 15/8/2023 (Ảnh minh họa)

- Trưởng ban công tác Mặt trận ở thôn, tổ dân phố:

  • Tổ chức cuộc họp Ban công tác Mặt trận ở thôn, tổ dân phố dự kiến danh sách người ứng cử Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố;

  • Báo cáo cấp ủy chi bộ thôn, tổ dân phố để thống nhất giới thiệu ít nhất 01 người ra ứng cử Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố;

  • Tổ chức cuộc họp Ban công tác Mặt trận ở thôn, tổ dân phố sau khi có ý kiến của chi ủy chi bộ thôn, tổ dân phố để quyết định danh sách chính thức những người ứng cử (ít nhất 01 người).

Bước 2: Tiến hành bầu cử

Tổ bầu cử triệu tập và chủ trì cuộc họp bầu Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố. Thông tin về cuộc họp phải được thông báo trước ít nhất 02 ngày bằng: Giấy mời, thông báo trực tiếp, hệ thống truyền thanh… và được niêm yết công khai tại nhà văn hóa, các điểm sinh hoạt cộng đồng của cụm, thôn, tổ dân phố.

- Người chủ trì cuộc họp tuyên bố lý do, giới thiệu đại biểu; thông qua chương trình cuộc họp; giới thiệu người làm thư ký cuộc họp.

- Đại diện Ban công tác Mặt trận ở thôn, tổ dân phố giới thiệu danh sách người ứng cử do Ban công tác Mặt trận ở thôn, tổ dân phố đã thống nhất với cấp ủy chi bộ thôn, tổ dân phố và đề nghị đại diện hộ gia đình tham dự cuộc họp tự ứng cử/đề cử người có đủ tiêu chuẩn để tham gia bầu.

- Lựa chọn biểu quyết bằng hình thức giơ tay/bỏ phiếu kín để người tham dự biểu quyết lựa chọn.

  • Biểu quyết giơ tay: Kết quả biểu quyết được kiểm đếm ngay tại thời điểm biểu quyết và được ghi vào biên bản cuộc họp.

  • Biểu quyết bằng bỏ phiếu kín, người chủ trì cuộc họp đề xuất số lượng và danh sách Ban kiểm phiếu từ 03 - 05 người (gồm Trưởng ban và các thành viên) để đại diện hộ gia đình tham dự cuộc họp biểu quyết bằng hình thức giơ tay.

  • Ban kiểm phiếu hướng dẫn thể lệ, cách ghi phiếu, bỏ phiếu và tiến hành phát phiếu. Sau khi kết thúc bỏ phiếu, Ban kiểm phiếu tiến hành kiểm phiếu (mời 02 đại diện hộ gia đình tham dự cuộc họp chứng kiến việc kiểm phiếu) và lập biên bản kiểm phiếu. Trưởng ban kiểm phiếu công bố kết quả kiểm phiếu tại cuộc họp.

- Người chủ trì cuộc họp công bố kết quả biểu quyết đối với từng nội dung biểu quyết và kết luận cuộc họp. Quyết định của cộng đồng dân cư được thể hiện bằng các hình thức văn bản: Nghị quyết, biên bản cuộc họp, bản ghi nhớ, bản thỏa thuận của cộng đồng dân cư trong đó thể hiện rõ nội dung quyết định của cộng đồng dân cư.

Ngay sau khi cuộc họp kết thúc, người chủ trì cuộc họp có trách nhiệm hoàn thiện hồ sơ cuộc họp, chậm nhất 05 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc cuộc họp, quyết định đã được cộng đồng dân cư biểu quyết thông qua phải được gửi đến UBND cấp xã, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã.

Bước 3: Công nhận kết quả bầu cử

Trong thời hạn 05 làm việc ngày kể từ ngày nhận được quyết định đã được cộng đồng dân cư biểu quyết thông qua, UBND cấp xã xem xét, quyết định công nhận người trúng cử Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố/quyết định bầu lại.

Trường hợp không ban hành quyết định công nhận/quyết định bầu lại thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố chính thức hoạt động khi có quyết định công nhận của UBND cấp xã.

Nghị định số 59/2023/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 15/8/2023.

Nếu còn thắc mắc, vui lòng gọi ngay đến 19006192 để được giải đáp cụ thể.

Đánh giá bài viết:
(7 đánh giá)
Bài viết đã giải quyết được vấn đề của bạn chưa? Rồi Chưa
Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi 19006192

Tin cùng chuyên mục