Quy hoạch thăm dò, khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng

Ngày 28/11, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã ký ban hành Quyết định 152/2008/QĐ-TTG quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng ở Việt Nam đến năm 2020.

 

Quy hoạch là cơ sở pháp lý cho các ngành chức năng của Nhà nước quản lý cấp phép thăm dò, khai thác các mỏ khoáng sản nhằm sử dụng một cách có hiệu quả, đúng mục đích và phát triển bền vững ngành công nghiệp vật liệu xây dựng (VLXD); đồng thời tạo điều kiện cho các nhà đầu tư, các doanh nghiệp đầu tư trong từng giai đoạn từ nay đến năm 2020.

 

Đánh giá hiện trạng tài nguyên khoáng sản

 

Đây cũng là cơ sở để định hướng phát triển công nghiệp VLXD sau năm 2020.

 

Quy hoạch cũng nhằm đánh giá hiện trạng tài nguyên khoáng sản làm nguyên liệu sản xuất VLXD; xác định nhu cầu trữ lượng khoáng sản cần thăm dò, khai thác, chế biến từ nay đến năm 2020 và khả năng đáp ứng từ nguồn tài nguyên khoáng sản.

 

Các nội dung quy hoạch gồm: Tài nguyên khoáng sản làm VLXD ở Việt Nam; nhu cầu khối lượng các loại khoáng sản cần thăm dò, khai thác để đáp ứng nguyên liệu cho sản xuất VLXD từ nay đến năm 2020; quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản làm VLXD đến năm 2020; quy hoạch các mỏ khoáng sản dự trữ cho công nghiệp VLXD.

 

Theo Quy hoạch, hiện có gần 1 nghìn mỏ khoáng sản làm nguyên liệu sản xuất VLXD đã được thăm dò, khảo sát trải dài trên 8 vùng kinh tế của cả nước.

 

Công bố rộng rãi danh mục, tài nguyên các mỏ đã được quy hoạch để kêu gọi đầu tư

 

Có 4 nhóm giải pháp chính để triển khai thực hiện các nội dung trên.

 

Giải pháp hàng đầu là tăng cường và thống nhất quản lý nhà nước về khoáng sản từ Trung ương đến địa phương.

 

Nhà nước thống nhất quản lý kết quả thăm dò, khai thác khoáng sản làm VLXD; đầu tư cho việc quy hoạch, điều tra cơ bản địa chất về tài nguyên khoáng sản; tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư thăm dò, khai thác khoáng sản làm VLXD.

 

Giải pháp quan trọng nữa là việc huy động vốn đầu tư. Nguồn vốn cho thăm dò, khai thác và chế biến khoáng sản làm nguyên liệu VLXD chủ yếu từ vốn tự thu xếp của các doanh nghiệp sản xuất VLXD, vốn của các nhà đầu tư, vốn vay của các ngân hàng thương mại trong nước và nước ngoài.

 

Nhà nước khuyến khích các doanh nghiệp huy động vốn thông qua thị trường chứng khoán (phát hành trái phiếu, cổ phiếu công trình). Thực hiện công bố rộng rãi danh mục, tài nguyên các mỏ đã được quy hoạch trên địa bàn các tỉnh để kêu gọi đầu tư.

 

Nhà nước có chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư đối với dự án khai thác, chế biến tại chỗ khoáng sản ở vùng có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn hay những dự án có áp dụng kỹ thuật, công nghệ tiên tiến, bảo đảm môi trường, các sản phẩm có giá trị và hiệu quả kinh tế xã hội cao.

 

Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục hoàn thiện các văn bản pháp luật, các thủ tục hành chính và phân cấp quản lý, đền bù khi sử dụng đất nhằm đẩy nhanh việc cấp phép thăm dò, khai thác khoáng sản; đồng thời hoàn thiện các quy định về thuế tài nguyên, các chi phí bảo vệ môi trường.

 

Bộ Xây dựng thực hiện quản lý nhà nước về khai thác và sử dụng khoáng sản làm nguyên liệu cho công nghiệp VLXD có trách nhiệm công bố và tổ chức thực hiện quy hoạch sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; chỉ đạo, kiểm tra, định kỳ cập nhật tình hình thực hiện quy hoạch và tiến hành bổ sung điều chỉnh quy hoạch.

 

Các địa phương tổ chức quản lý, giám sát việc thăm dò, khai thác, chế biến các mỏ khoáng sản, phục hồi môi trường, tránh tình trạng quy hoạch chồng chéo với các quy hoạch khác trên địa bàn.

 

. Theo Website Chính phủ

Chia sẻ:
Đánh giá bài viết:

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục