Theo khoản 3 Điều 3 Nghị định 119/2024/NĐ-CP:
3. Thẻ đầu cuối là thiết bị điện tử được gắn trên phương tiện để giao tiếp thông tin với hệ thống thiết bị lắp đặt tại các điểm thu theo tiêu chuẩn về nhận dạng tần số vô tuyến thụ động cho việc giao tiếp không dây và lưu trữ các thông tin liên quan đến kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của phương tiện.
Và một trong những nguyên tắc chung để mở tài khoản giao thông được nêu ở khoản 2 Điều 4 Nghị định 119/2024/NĐ-CP đó chính là việc bảo đảm yêu cầu về kết nối liên thông giữa các cấu thành hệ thống thanh toán điện tử giao thông. Mỗi phương tiện chỉ gắn 01 thẻ đầu cuối tại một thời điểm.
Quy định cụ thể về thẻ đầu cuối gắn trên phương tiện được nêu tại Điều 7 Nghị định 119/2024/NĐ-CP.
Theo đó, phương tiện phải được gắn thẻ đầu cuối để mở tài khoản giao thông. Việc gắn thẻ đầu cuối và kích hoạt thẻ đầu cuối do Nhà cung cấp dịch vụ thanh toán tiền sử dụng đường bộ thực hiện theo các quy định tại Nghị định 119/2024/NĐ-CP.
Bộ Công an, Bộ Quốc phòng phối hợp với Bộ Giao thông vận tải và Nhà cung cấp dịch vụ thanh toán tiền sử dụng đường bộ thực hiện gắn thẻ đầu cuối cho các phương tiện phục vụ an ninh, quốc phòng tham gia giao thông.
Chủ phương tiện phải trả chi phí gắn thẻ đầu cuối cho Nhà cung cấp dịch vụ thanh toán tiền sử dụng đường bộ. Thẻ đầu cuối được Nhà cung cấp dịch vụ thanh toán tiền sử dụng đường bộ bảo hành trong thời gian tối thiểu là 12 tháng kể từ thời điểm gắn thẻ.
Ngoài ra, hai trong những hành vi không được thực hiện trong hoạt động thanh toán điện tử giao thông đường bộ được nêu tại khoản 1 Điều 5 Nghị định 119/2024/NĐ-CP là:
- Phá hủy, làm giả, xoá dữ liệu hoặc can thiệp nội dung thẻ đầu cuối;
- Chuyển thẻ đầu cuối từ phương tiện tham gia giao thông này sang phương tiện tham gia giao thông khác.
Nghị định 119/2024/NĐ-CP có hiệu lực từ 01/10/2024.