Theo đó, Quyết định 150-KL/TW đưa ra nguyên tắc về số lượng lãnh đạo (Phó Chủ tịch HĐND, Phó Chủ tịch UBND, các cấp phó của các cơ quan, đơn vị trực thuộc) có thể nhiều hơn quy định trong thời gian 5 năm sau khi thực hiện hợp nhất, sáp nhập.
Điều này cho phép các cơ quan, đơn vị có thể bố trí lãnh đạo một cách linh hoạt trong giai đoạn chuyển giao, đảm bảo hoạt động ổn định và không bị gián đoạn. Tuy nhiên, sau 5 năm, các địa phương sẽ thực hiện theo quy định về số lượng và bố trí lãnh đạo theo quy định.
Ngoài ra, các cấp uỷ cấp xã, phường, đặc khu có thể bố trí nhân sự là cấp ủy viên cấp tỉnh làm bí thư đảng uỷ trong trường hợp đặc biệt, nếu đảng bộ đó có vị trí quan trọng hoặc quy mô lớn.

Kết luận 150-KL/TW của Bộ Chính trị nêu rõ nguyên tắc xây dựng phương án nhân sự cấp ủy cấp tỉnh và cấp xã sau hợp nhất, sáp nhập, bảo đảm tính chặt chẽ, dân chủ, khách quan, minh bạch, công bằng, công tâm và đúng quy định của Đảng, Nhà nước.
Việc phân công, chỉ định, bố trí và giới thiệu nhân sự cần được thực hiện trên cơ sở cơ cấu, số lượng, tiêu chuẩn và điều kiện của từng địa phương. Phẩm chất chính trị, đạo đức, năng lực lãnh đạo, uy tín của cán bộ được đề cao, đặc biệt là những tư duy đổi mới, sáng tạo và dám chịu trách nhiệm.
Chính quyền địa phương phải đảm bảo hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị thông qua việc phân công nhân sự sao cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn và bảo đảm hiệu quả lãnh đạo của các cơ quan, đơn vị sau khi sáp nhập.
Ngoài ra, cần phải đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số, nhưng tuyệt đối không hạ thấp tiêu chuẩn chỉ vì cơ cấu hay mục đích khác. Đặc biệt, việc tránh khuynh hướng cục bộ, lợi ích nhóm là yếu tố rất quan trọng trong quá trình phân công nhân sự.