Quy định mới xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 06/2008/NĐ-CP quy định xử phạt những hành vi vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại. Cụ thể, đó là những hành vi của cá nhân, tổ chức cố ý hoặc vô ý vi phạm các quy định quản lý nhà nước trong hoạt động thương mại mà không phải là tội phạm. Theo đó, các mức phạt đều cao hơn so với trước

Mức xử phạt cao hơn

Nghị định này thay thế cho Nghị định số 175/2004/NĐ-CP ngày 10/10/2004 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thương mại với phần lớn các mức xử phạt đối với các hành vi vi phạm đều cao hơn so với quy định trước đây.

Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại là một năm kể từ ngày hành vi vi phạm hành chính được thực hiện.

Trong các hành vi vi phạm quy định về giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của tổ chức kinh tế, hộ kinh doanh, hành vi tiếp tục hoạt động kinh doanh khi đã bị cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền thu hồi giấy chứng nhận kinh doanh của tổ chức kinh tế sẽ bị phạt tiền từ 5 triệu đến 10 triệu đồng; phạt tiền thấp nhất là 2 triệu đồng đến cao nhất là 20 triệu đồng trong trường hợp kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ hạn chế kinh doanh, kinh doanh có điều kiện hoặc hàng hóa đã bị cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền áp dụng biện pháp khẩn cấp buộc phải thu hồi, tạm ngừng lưu thông, lưu thông có điều kiện hoặc phải có giấy phép.

Đối với các hành vi kinh doanh hàng giả, kinh doanh tem, nhãn, bao bì hàng hóa giả, tổ chức, cá nhân vi phạm có thể bị phạt tới 30 triệu đồng. Đặc biệt có thể phạt tiền cao nhất tới 40 triệu đồng đối với trường hợp: Sản xuất, chế biến, gia công, lắp ráp, tái chế, chế tác, phân loại, sang chiết, nạp, đóng gói, nhập khẩu hàng giả; hàng giả là thực phẩm, thuốc phòng và chữa bệnh cho người, mỹ phẩm, thuốc thú y, phân bón, xi măng, sắt thép, thức ăn chăn nuôi, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, giống vật nuôi.

Nghiêm cấm việc giữ lại các vụ việc có dấu hiệu tội phạm để xử phạt vi phạm hành chính

Bên cạnh những quy định về mức xử phạt, Nghị định cũng quy định rõ các hình thức xử phạt bổ sung và khắc phục hậu quả đối với các hành vi vi phạm như buộc tiêu hủy hàng hóa gây hại cho sức khỏe con người, vật nuôi, cây trồng, môi trường, đồ chơi có hại cho giáo dục nhân cách và sức khỏe trẻ em, văn hóa phẩm độc hại. Trường hợp không thể áp dụng được biện pháp buộc tiêu hủy hoặc cá nhân, tổ chức vi phạm không thực hiện việc tiêu hủy thì tịch thu để tiêu hủy theo quy định.

Nghị định mới cũng nêu rõ nghiêm cấm hành vi bao che, cản trở việc xử phạt; nghiêm cấm việc giữ lại các vụ việc có dấu hiệu tội phạm để xử phạt vi phạm hành chính hoặc chia tách vụ việc vi phạm để giữ lại xử phạt cho phù hợp với thẩm quyền của cấp mình.

Định giá hàng hóa, tang vật vi phạm để xử phạt

Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước có chức năng kiểm tra, thanh tra và xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại có trách nhiệm định giá hàng hóa, tang vật vi phạm và phương tiện để vi phạm hành chính làm căn cứ cho việc xác định mức phạt tiền và thẩm quyền xử phạt.

Chủ tịch UBND các cấp, Trưởng Công an cấp huyện, Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm kinh tế và chức vụ, Công an cấp tỉnh, Giám đốc Công an cấp tỉnh và Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm kinh tế và chức vụ có quyền xử phạt đối với các vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại theo thẩm quyền quy định tại Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính. 

 

. (Luật Việt Nam)

Chia sẻ:
Đánh giá bài viết:

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục

Điểm tin VBPL tuần từ 15/11 - 21/11/2024

LuatVietnam gửi đến quý độc giả điểm tin VBPL tuần từ 15/11 - 21/11/2024 với các nội dung nổi bật liên quan đến Luật Hành chính, Luật Ngân hàng, Luật Dân sự.