Quy định mới về việc miễn nhiệm công chức lãnh đạo từ 17/9/2024

Được nêu tại Nghị định 116/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 138/2020/NĐ-CP và Nghị định số 06/2023/NĐ-CP.

Theo đó, khoản 43 Điều 1 Nghị định 116/2024/NĐ-CP đã sửa đổi Điều 66 Nghị định 138/2020/NĐ-CP về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức.

Quy định mới về việc miễn nhiệm công chức lãnh đạo từ 17/9/2024 (Ảnh minh họa)

Cụ thể, việc xem xét miễn nhiệm đối với công chức lãnh đạo, quản lý được thực hiện trong các trường hợp:

(1) Bị kỷ luật cảnh cáo hoặc khiển trách nhưng uy tín giảm sút không thể tiếp tục đảm nhiệm chức vụ;

(2) Bị kỷ luật khiển trách, cảnh cáo 2 lần trở lên trong cùng thời hạn bổ nhiệm;

(3) Có trên 2/3 số phiếu tín nhiệm thấp tại kỳ lấy phiếu theo quy định của cấp có thẩm quyền;

(4) Có 2 năm liên tiếp được xếp loại chất lượng ở mức không hoàn thành nhiệm vụ;

(5) Bị cơ quan có thẩm quyền kết luận suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; vi phạm những điều đảng viên không được làm; vi phạm trách nhiệm nêu gương, ảnh hưởng xấu đến uy tín của bản thân và cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi đang công tác;

(6) Bị cơ quan có thẩm quyền kết luận vi phạm tiêu chuẩn chính trị theo quy định về bảo vệ chính trị nội bộ của Đảng đến mức phải miễn nhiệm;

(7) Công chức lãnh đạo, quản lý là người đứng đầu để cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc quyền quản lý, phụ trách hoặc cấp dưới trực tiếp xảy ra tham nhũng, tiêu cực rất nghiêm trọng;

(8) Các trường hợp khác theo quy định của pháp luật.

Tại Nghị định 138/2020/NĐ-CP trước đó quy định về việc miễn nhiệm đối với công chức lãnh đạo, quản lý tại Điều khoản 1 Điều 66 như sau:
1. Việc xem xét miễn nhiệm đối với công chức lãnh đạo, quản lý được thực hiện trong các trường hợp sau:
a) Có hai năm liên tiếp được xếp loại chất lượng ở mức không hoàn thành nhiệm vụ;
b) Bị xử lý kỷ luật chưa đến mức cách chức nhưng do yêu cầu nhiệm vụ công tác cần phải thay thế;
c) Bị xử lý kỷ luật khiển trách hoặc cảnh cáo hai lần trong cùng một thời hạn bổ nhiệm;
d) Bị cơ quan có thẩm quyền kết luận vi phạm quy định của Đảng về bảo vệ chính trị nội bộ;
đ) Các lý do miễn nhiệm khác theo quy định của Đảng và pháp luật.

Nghị định 116/2024/NĐ-CP cũng quy định công chức lãnh đạo, quản lý bị miễn nhiệm không được hưởng phụ cấp chức vụ kể từ ngày có quyết định miễn nhiệm.

Công chức lãnh đạo, quản lý sau khi miễn nhiệm có nguyện vọng tiếp tục công tác thì được cấp có thẩm quyền xem xét, bố trí làm công tác chuyên môn (không làm công tác lãnh đạo, quản lý) và xếp vào ngạch công chức phù hợp với vị trí việc làm.

Sau khi miễn nhiệm nếu công chức tự nguyện xin nghỉ hưu, thôi việc thì được giải quyết theo quy định hiện hành.

Nếu còn vấn đề vướng mắc, bạn đọc vui lòng liên hệ tổng đài 19006192 để được hỗ trợ.
Chia sẻ:
Đánh giá bài viết:

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục