Quy định điều kiện đầu tư trực tiếp vào lĩnh vực bưu chính, viễn thông

Ngày 3/12/2008, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Nghị định số 121/2008/NĐ-CP về hoạt động đầu tư trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông (BCVT). Theo đó, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, không phân biệt quy mô vốn, khi tham gia hoạt động trong lĩnh vực BCVT phải lập dự án đầu tư và tuân thủ các quy định của pháp luật về đầu tư. Việc chuyển nhượng dự án đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư không bao gồm việc chuyển nhượng giấy phép đầu tư chuyên ngành bưu chính, chuyển phát, viễn thông, Internet, truyền dẫn phát sóng.

 

Nghị định quy định có 3 loại dự án đầu tư trong lĩnh vực BCVT thuộc diện phải thẩm tra để cấp giấy chứng nhận đầu tư bao gồm: Dự án đầu tư có vốn đầu tư nước ngoài, Dự án đầu tư trong nước thiết lập hạ tầng mạng để cung ứng dịch vụ viễn thông không phân biệt quy mô vốn đầu tư (2 loại dự án này do Bộ Thông tin và Truyền thông thẩm tra); Dự án đầu tư trong nước cung ứng dịch vụ viễn thông không có hạ tầng mạng có quy mô vốn từ 300 tỷ đồng trở lên (do Sở BCVT thẩm tra).

 

Nghị định quy định rất cụ thể điều kiện đầu tư đối với từng loại dự án trong lĩnh vực BCVT.

 

Đối với Dự án đầu tư thiết lập hạ tầng mạng để cung ứng dịch vụ viễn thông, nhà đầu tư trong nước phải là doanh nghiệp nhà nước (DNNN) hoặc doanh nghiệp (DN) mà vốn góp của Nhà nước chiếm cổ phần chi phối. Trong trường hợp có nhiều nhà đầu tư trong nước tham gia dự án thì phải có ít nhất một nhà đầu tư là DNNN hoặc DN mà vốn góp của Nhà nước chiếm cổ phần chi phối và nhà đầu tư này có tỷ lệ phần vốn góp chiếm ít nhất 51% tổng số vốn đầu tư của dự án.

 

Nhà đầu tư nước ngoài khi tham gia đầu tư thiết lập hạ tầng mạng để cung ứng dịch vụ viễn thông tại Việt Nam phải liên doanh hoặc liên kết với nhà đầu tư trong nước đã được cấp giấy phép hoạt động trên lĩnh vực này và có tỷ lệ phần vốn góp phù hợp với cam kết gia nhập WTO của Việt Nam, ngoại trừ trường hợp pháp luật Việt Nam có quy định thuận lợi hơn.

 

Vốn đăng ký tối thiểu đối với dự án đầu tư thiết lập hạ tầng mạng viễn thông công cộng trên phạm vi 1 tỉnh, thành phố là 160 tỷ đồng, trên phạm vi toàn quốc là 1.600 tỷ đồng.

 

Đối với Dự án đầu tư cung cấp dịch vụ viễn thông không có hạ tầng mạng, nhà đầu tư trong nước là DN thuộc mọi thành phần kinh tế được thành lập theo quy định của pháp luật. Nếu có nhiều nhà đầu tư trong nước tham gia thì phải có ít nhất 1 nhà đầu tư có tỷ lệ phần vốn góp chiếm ít nhất 30% tổng số vốn đầu tư của dự án.

 

Đối với dự án có vốn đầu tư nước ngoài, trong 3 năm đầu kể từ khi Việt Nam gia nhập WTO, nhà đầu tư nước ngoài muốn cung cấp dịch vụ viễn thông cơ bản hoặc dịch vụ truy nhập Internet thì phải liên doanh với ít nhất 1 DN cung cấp dịch vụ viễn thông đã được cấp phép tại Việt Nam và DN này phải có phần vốn góp ít nhất 49% tổng vốn đầu tư dự án.

 

Đối với Dự án đầu tư cung ứng dịch vụ chuyển phát, nhà đầu tư trong nước được thành lập tổ chức kinh tế 100% vốn đầu tư trong nước để cung ứng dịch vụ chuyển phát. Trường hợp nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài hợp tác đầu tư thì phần vốn góp của bên nước ngoài được tối đa đến 51%.

 

Kể từ ngày 11/1/2012, nhà đầu tư nước ngoài được phép thành lập liên doanh với nhà đầu tư trong nước với tỷ lệ vốn góp nước ngoài trên 51% hoặc thành lập tổ chức kinh tế 100% vốn của nhà đầu tư nước ngoài.

 

. Theo Website Chính phủ

 

Chia sẻ:
Đánh giá bài viết:

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục

Điểm tin VBPL tuần từ 15/11 - 21/11/2024

LuatVietnam gửi đến quý độc giả điểm tin VBPL tuần từ 15/11 - 21/11/2024 với các nội dung nổi bật liên quan đến Luật Hành chính, Luật Ngân hàng, Luật Dân sự.