Quy chế đô thị mới: Rạch ròi giữa kinh doanh và chính sách

Buổi thảo luận sáng nay của Ủy ban thường vụ Quốc hội về dự thảo nghị định Quy chế khu đô thị mới trở nên sôi nổi, khi Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội, ông Hồ Đức Việt, nêu vấn đề nhà ở cho người nghèo, người có thu nhập thấp trong khu đô thị mới.

Theo ông Việt, trong tờ trình của Chính phủ thì quy chế khu đô thị mới nhằm góp phần giải quyết vấn đề nhà cho thuê và nhà bán cho người thu nhập thấp và các đối tượng chính sách. Tuy nhiên, dự thảo lại chưa có quy định để giải quyết vấn đề vốn được đánh giá là nhạy cảm, gây nhiều bất bình trong xã hội. Ông Việt nói: "Nên quy định chủ đầu tư phải dành một tỷ lệ thích đáng nhà ở cho người nghèo, người thu nhập thấp trong quy hoạch chi tiết khu đô thị mới. Việc này thực hiện bằng nhiều hình thức như trích lợi nhuận để đầu tư hoặc góp vốn vào dự án nhà ở cho người có thu nhập thấp ở dự án khác".

Tuy nhiên, đề xuất của ông Việt không được đa số đại biểu đồng tình. Đại biểu Trần Việt Hùng, Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội, nêu ra kinh nghiệm của Hàn Quốc là không bán nhà trong khu đô thị mới cho người thu nhập thấp, mà chỉ cho thuê với giá ưu đãi. "Nếu bán cho người nghèo với giá ưu đãi thì có thể họ sẽ bán lại để hưởng chênh lệch, điều đó gây lộn xộn, khó quản lý", ông Hùng giải thích.

Bà Trần Thị Tâm Đan, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa giáo dục thanh thiếu niên nhi đồng của Quốc hội, khẳng định: "Cần tách bạch giữa kinh doanh và chính sách xã hội, giữa trách nhiệm của doanh nghiệp và chính quyền địa phương. Không thể bắt chủ đầu tư khu đô thị mới đi xây nhà cho người nghèo. Đó là trách nhiệm của chính quyền địa phương". Theo bà Tâm Đan, Hà Tây là ví dụ điển hình của việc thiếu tách bạch, dẫn đến lộn xộn. 

Về quy định chủ đầu tư phải bảo hành đối với công trình chuyển giao trong thời gian ít nhất là 12 tháng kể từ ngày chuyển giao, ông Trần Việt Hùng cho rằng cần kéo dài hơn nữa vì 12 tháng chưa đủ thời gian lún của công trình. Bà Tâm Đan cũng rất đồng tình và giải thích thêm: "Người đến mua nhà rất khó đánh giá chất lượng công trình. Để đảm bảo quyền lợi của người mua, cần kéo dài thời gian bảo hành".

Một vấn đề được đại biểu quan tâm là vai trò của Ban quản lý phát triển khu đô thị mới trong việc quản lý hành chính. Theo điểm 2 khoản 2 Điều 10 của dự thảo quy chế, Ban quản lý phát triển khu đô thị mới là đầu mối kết nối để giải quyết các thủ tục hành chính liên quan đến dự án trong khu đô thị mới với cơ quan hành chính địa phương.

Nhận xét về điều khoản này, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn Yểu cho rằng cần xác định trách nhiệm quản lý hành là của chính quyền sở tại. Còn quản lý dịch vụ công thì Ban quản lý khu đô thị mới sẽ đảm nhiệm trong thời gian trước khi chuyển giao cho chính quyền địa phương.

Chủ đầu tư dự án khu đô thị mới (Điều 11) phải đảm bảo điều kiện: Là pháp nhân có đăng ký kinh doanh về đầu tư bất động sản; có năng lực tài chính thuộc sở hữu bằng 20% tổng mức đầu tư dự án (đối với dự án đầu tư trong nước) hoặc bằng 30% tổng mức đầu tư dự án (đối với dự án theo Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam).

(Như Trang – Vnexpress)

 

Chia sẻ:
Đánh giá bài viết:

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục

Điểm tin VBPL tuần từ 15/11 - 21/11/2024

LuatVietnam gửi đến quý độc giả điểm tin VBPL tuần từ 15/11 - 21/11/2024 với các nội dung nổi bật liên quan đến Luật Hành chính, Luật Ngân hàng, Luật Dân sự.