Nghị trường hôm 9/11 có vẻ sôi nổi hơn so với những ngày làm việc trước, khi bàn về thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ôtô, rượu bia, và thuốc lá...
Mức thuế tiêu thụ đặc biệt mà Chính phủ trình Quốc hội áp dụng cho cả xe lắp ráp, sản xuất trong nước và xe nhập khẩu là 50%, 30%, 15%, tương ứng với 3 nhóm: xe từ 5 chỗ trở xuống, từ 6 đến 16 chỗ, và từ 16 đến 24 chỗ.
Hào hứng tham gia vào đề tài "đi lại", ĐB Nguyễn Lân Dũng (Đắk Nông) bày tỏ sự ái ngại khi liên tưởng giao thông ở Thái Lan với VN. "Nước này đường 6 làn xe còn bị tắc, ''cấp cứu cũng đành chịu'. Khoảng 5 năm nữa, đường sá của ta còn hạn chế, người có tiền mua ôtô nhiều lên, ôtô Trung Quốc giá rẻ tràn sang thì ra sao?" Ông nói. Theo ông, nên đánh thuế 70% đối với xe ôtô dưới 5 chỗ ngồi.
Nhiều đại biểu muốn tăng thuế thuốc lá cao hơn. (Chính phủ đưa ra lộ trình 2006-2007 ở mức 55%, từ năm 2008 tăng lên 65%). ĐB Nguyễn Thị Sáu (Tuyên Quang) cho rằng, ''không có gì phải tiếc, tính lỗ lãi ở đây, vì hút thuốc rất có hại cho sức khoẻ''. Hàng năm, doanh thu từ sản xuất thuốc lá khoảng 8.300 tỷ đồng nhưng chi khám, chữa bệnh do thuốc lá mất 9.000 tỷ đồng!
''Tôi kiến nghị đánh thuế 100% đối với thuốc lá. Hút thuốc lá vừa tốn tiền, vừa hại sức khoẻ. Hàng năm, Việt Nam có 4 vạn người chết vì thuốc lá'', ĐB Nguyễn Lân Dũng hưởng ứng.
Việc giữ thuế bia năm 2006-2007 ở mức 30% được nhiều đại biểu đồng tình. Tuy nhiên, ĐB Nguyễn Thị Anh Nhân (Hà Nội), từng làm giám đốc một doanh nghiệp bia, không nhất trí từ năm 2008 nâng lên mức 40% vì tăng thuế sẽ hạn chế tiêu dùng, khó khăn cho ngành bia.
Đối với rượu, thuế tiêu thụ đặc biệt được đánh luỹ tiến theo nồng độ: từ 40 độ trở lên chịu thuế 65%, từ 20 độ đến dưới 40 độ là 30%, rượu dưới 20 độ, rượu hoa quả, rượu thuốc là 20%. ĐB Nguyễn Lân Dũng đề nghị bỏ rượu thuốc khỏi danh mục này vì dễ bị lợi dụng: ''rượu 40% chỉ cần thả củ sâm vào là thành rượu thuốc''.
Trước những thắc mắc và kiến nghị của các đại biểu, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Sinh Hùng đã đứng lên giải trình.
Theo ông, thuế ôtô ở mức 50%, 30%, 15% là chấp nhận được. Ôtô sản xuất trong nước bị tăng thuế (tăng tương ứng 10%, 5% và 2,5% so với năm 2005) nhưng các nhà sản xuất ôtô sẽ không thể điều chỉnh tăng giá vì phải cạnh tranh với ôtô nhập khẩu được giảm thuế khá nhiều (giảm 30%, 20%, 10%).
Hơn nữa, ôtô trong nước vẫn được bảo hộ ở mức cao khi thuế nhập khẩu ôtô nguyên chiếc ở mức 100%.
Đối với thuế bia, giữ mức 30% trong 2 năm là để các cơ sở sản xuất bia địa phương có điều kiện cải tiến công nghệ, nâng cao chất lượng. ''Uống bia hơi giàu vitamin nhưng bia cỏ nhiều... vi khuẩn! Có người còn gọi là bia hôi'', Bộ trưởng nói vui.
Giải đáp ý kiến của ĐB Nguyễn Lân Dũng, theo Bộ trưởng, loại rượu được coi là rượu thuốc để hưởng thuế 20% sẽ không thể tuỳ tiện mà phải được Bộ Y tế cấp giấy chứng nhận.
Về thuế thuốc lá, Bộ trưởng Nguyễn Sinh Hùng cho biết, vướng ở chuyện công ăn việc làm cho 15.000 công nhân và 200.000 nông dân trồng cây thuốc lá. Cần thời gian để chuyển đổi doanh nghiệp sản xuất thuốc lá sang ngành nghề khác cũng như nông dân chuyển sang trồng cây, nuôi con khác.
Nhiều đại biểu lo ngại, áp dụng mức thuế thống nhất sẽ bất lợi cho sản xuất trong nước. Bộ trưởng giải thích, đây là do yêu cầu hội nhập, không được phân biệt đối xử. Tuy nhiên, ''bảo hộ bằng thuế nhập khẩu hiện đang là bài toán khó khi đàm phán gia nhập WTO''.
Những sửa đổi thuế tiêu thụ đặc biệt dự kiến sẽ được Quốc hội thông qua tại kỳ họp này và có hiệu lực từ 1/1/2006.
(Theo VietNamNet)