Quốc hội thông qua Nghị quyết về Giáo dục

Đến 2010, chi cho Giáo dục chiếm 20% tổng ngân sách. Đó là nội dung đáng chú ý của dự thảo Nghị quyết về Giáo dục mà Quốc hội vừa thông qua sáng nay, 25/11. Trong Nghị quyết còn có những quyết định quan trọng như bỏ kỳ thi tốt nghiệp Tiểu học năm học 2004 - 2005, tiếp tục cải tiến công tác thi cử theo hướng gọn nhẹ, hiệu quả, thiết thực...

Theo báo cáo của Uỷ ban thường vụ QH, qua tổng hợp ý kiến, có 370 đại biểu tán thành với việc QH nên ra Nghị quyết riêng về giáo dục (bằng 74,74% tổng số ĐBQH); 33 đại biểu đề nghị không nên ra Nghị quyết riêng về giáo dục (bằng 6,6% tổng số ĐBQH); 4 đại biểu không ghi ý kiến hoặc ghi ý kiến cho rằng nếu QH ra Nghị quyết riêng về giáo dục thì phải viết cụ thể hơn nữa.

Ghi nhận thành tựu, chỉ rõ sự yếu kém và bất cập của giáo dục trong những năm đổi mới, QH quyết định ra Nghị quyết về giáo dục. Trong Dự thảo Nghị quyết, QH "giao Chính phủ tiếp tục chỉ đạo đổi mới giáo dục; nghiên cứu điều chỉnh chiến lược phát triển giáo dục đến năm 2010 và xây dựng chiến lược giáo dục dài hạn cho những năm tiếp theo".

7 vấn đề trọng tâm được nhấn mạnh trong Dự thảo Nghị quyết của QH.

Chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cần thiết để thực hiện đổi mới nội dung chương trình, phương pháp giáo dục ĐH, giáo dục nghề nghiệp và giáo dục mầm non. Nghiên cứu điều chỉnh phương án phân ban THPT góp phần tích cực hướng nghiệp cho học sinh và phù hợp với điều kiện thực tiễn Việt Nam.

Mở rộng hợp lý quy mô giáo dục ĐH và tạo sự chuyển biến cơ bản về chất lượng giáo dục ĐH. Phát triển mạnh giáo dục nghề nghiệp, thực hiện phân luồng sau THCS và liên thông trong hệ thống giáo dục, tạo điều kiện thuận lợi cho thanh thiếu niên lựa chọn nhiều hình thức học tập và sau khi học xong THCS và THPT, học sinh có cơ hội được học nghề. Phát triển giáo dục thường xuyên đáp ứng nhu cầu học tập suốt đời của nhân dân và xây dựng xã hội học tập.

Đầu tư ngân sách cho giáo dục đào tạo đảm bảo đạt tỷ lệ 20% tổng chi ngân sách Nhà nước trước năm 2010 từ 2 - 3 năm. Đảm bảo tỷ lệ hợp lý giữa chi lương và chi cho các hoạt động giáo dục của cơ sở giáo dục để thực hiện tốt nhiệm vụ nâng cao chất lượng giáo dục. Tiếp tục ban hành các chính sách đẩy mạnh xã hội hoá giáo dục để huy động nguồn lực xã hội cho phát triển giáo dục. Nhà nước bảo hộ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân đầu tư thành lập các trường ngoài công lập và tạo điều kiện thuận lợi để phát triển các trường ngoài công lập.

Tập trung xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, đạt chuẩn về trình độ đào tạo; đặc biệt coi trọng việc nâng cao bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, lương tâm, trách nhiệm nghề nghiệp. Hoàn thiện cơ chế, chính sách về đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng và tạo điều kiện cho nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục thường xuyên tự học tập để cập nhật kiến thức, nâng cao trình độ, kỹ năng về chuyên môn,  nghiệp vụ, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục.

Đổi mới toàn diện công tác quản lý Nhà nước về giáo dục theo hướng phân công, phân cấp rõ trách nhiệm, quyền hạn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, của các bộ, ngành, UBND cấp tỉnh và cơ sở giáo dục, lấy việc quản lý chất lượng làm nhiệm vụ trọng tâm; củng cố tổ chức thanh tra và đẩy mạnh công tác thanh tra giáo dục, thực hiện kiểm định chất lượng giáo dục hàng năm. Đổi mới thi đua trong giáo dục, khắc phục bệnh thành tích. Bỏ kỳ thi tốt nghiệp Tiểu học năm 2004 - 2005, tiếp tục cải tiến công tác thi cử theo hướng gọn nhẹ, hiệu quả, thiết thực.

Đẩy mạnh xây dựng nền nếp, kỷ cương dạy và học. Thực hiện đồng bộ các biện pháp để khắc phục và tiến tới chấm dứt sự gian dối trong thi cử, làm luận văn, luận án, cấp phát văn bằng, chứng chỉ, dạy thêm, học thêm tràn lan, mang tính áp đặt, gây căng thẳng, mệt mỏi cho HS, nhất là ở Tiểu học và THCS.

Thực hiện tốt hơn công bằng xã hội trong giáo dục, ưu tiên phát triển giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và giáo dục cho trẻ em khuyết tật.

Chính phủ có trách nhiệm triển khai tổ chức thực hiện Nghị quyết này.

Uỷ ban thường vụ QH; Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng QH; Hội đồng Dân tộc và Hội đồng nhân dân các cấp giám sát việc thực hiện Nghị quyết này theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình.

(Nguyệt Minh - VietNamNet)

Đánh giá bài viết:

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục

Chuyển công ty Nhà nước thành công ty cổ phần: Áp dụng cơ chế mở!

Chuyển công ty Nhà nước thành công ty cổ phần: Áp dụng cơ chế mở!

Chuyển công ty Nhà nước thành công ty cổ phần: Áp dụng cơ chế mở!

Nếu không có gì thay đổi, dự kiến đầu tháng 12 này, Nghị định 187/2004/NĐ-CP về việc chuyển công ty Nhà nước thành công ty cổ phần vừa ký ban hành ngày 16/11/2004 sẽ có hiệu lực. Với những thay đổi quan trọng về cơ chế, giới chuyên môn kỳ vọng rằng sẽ tháo gỡ được những vướng mắc của doanh nghiệp, qua đó sẽ thúc đẩy thật nhanh tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp.