Quốc hội thông qua Nghị quyết về công tác đầu tư xây dựng cơ bản sử dụng vốn Nhà nước

''Quốc hội yêu cầu các cơ quan tư pháp theo chức năng của mình có kế hoạch cụ thể, triển khai ráo riết nhiệm vụ, kịp thời ngăn chặn, phát hiện và xử lý nghiêm minh những tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về đầu tư xây dựng cơ bản, không kể tổ chức đó là tổ chức nào, cá nhân đó là ai''.

Đây là nội dung đáng lưu ý trong Nghị quyết về công tác đầu tư xây dựng cơ bản sử dụng vốn Nhà nước. Quốc hội vừa thông qua Nghị quyết này sáng 25/11 với tỷ lệ tán thành đạt 77,58%.

Đưa ra khỏi bộ máy cán bộ phẩm chất kém, thiếu tinh thần trách nhiệm!

Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế và Ngân sách Nguyễn Đức Kiên cho biết, đã có 255 đại biểu Quốc hội gửi ý kiến tham gia về dự thảo Nghị quyết này.

Có ý kiến đề nghị bổ sung nội dung ''xoá bỏ tình trạng khép kín trong đầu tư xây dựng cơ bản''. UBTVQH nhận thấy ý kiến này là hợp lý nhưng để làm được việc này cần có lộ trình cụ thể với mô hình và cơ chế khắc phục hữu hiệu. Do vậy, UBTVQH đã tiếp thu và thể hiện trong Nghị quyết, yêu cầu Chính phủ ''có lộ trình cụ thể áp dụng mô hình và cơ chế để xoá bỏ tình trạng khép kín trong quản lý đầu tư xây dựng cơ bản''.

Nghị quyết nêu rõ: ''Quốc hội yêu cầu Chính phủ chỉ đạo kiên quyết và áp dụng giải pháp hữu hiệu để lập lại trật tự kỷ cương trong đầu tư xây dựng cơ bản. Có chế định đề cao trách nhiệm và xử lý trách nhiệm cá nhân trong từng khâu đầu tư, nhất là trách nhiệm của người quyết định dự án quy hoạch, dự án đầu tư. Làm rõ sai phạm, quy rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm minh, triệt để bằng biện pháp hành chính, hình sự và bồi hoàn thiệt hại vật chất''.

''Khắc phục tình trạng chỉ quy kết trách nhiệm, nhận thiếu sót, yếu kém tập thể, chung chung như thời gian vừa qua. Kiên quyết đưa ra khỏi bộ máy công quyền những cán bộ, công chức phẩm chất kém, thiếu tinh thần trách nhiệm, gây phiền hà, nhũng nhiễu, năng lực chuyên môn yếu trong quản lý xây dựng cơ bản'', Nghị quyết tiếp tục nhấn mạnh.

Tuy nhiên, phát biểu tại Hội trường, ĐB Đỗ Trọng Ngoạn (Bắc Giang) cho rằng Nghị quyết vẫn chưa làm rõ trách nhiệm của cá nhân, tổ chức gây lãng phí, thất thoát, định ra cơ chế trách nhiệm.

Chấn chỉnh quy hoạch đầu tư, Quốc hội yêu cầu Chính phủ: ''Rà soát điều chỉnh, bổ sung hoặc xây dựng mới các quy hoạch, kế hoạch đầu tư. Gắn quy hoạch với mục tiêu chiến lược phát triển kinh tế-xã hội, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đảm bảo tính liên ngành, liên vùng. Phân cấp, phân định rõ quyền hạn trách nhiệm của từng bộ, giữa bộ với các tỉnh, thành phố; xác định rõ và nâng cao trách nhiệm quản lý, điều hành của bộ trưởng đối với toàn ngành, của chủ đầu tư. Ngăn chặn kịp thời và xử lý nghiêm những trường hợp không chấp hành đúng quy định của pháp luật, quyết định của cơ quan có thẩm quyền, của cấp trên''.

Tiếp tục thanh tra công trình có biểu hiện tiêu cực được công luận phản ánh!

Có ý kiến đại biểu đề nghị cần nhấn mạnh việc công khai, minh bạch trong quy trình đầu tư, UBTVH đã tiếp thu và đưa vào Nghị quyết: ''Thực hiện công khai, minh bạch các quy định; các dự án, công trình từ chủ trương đầu tư, thẩm định, duyệt dự án đầu tư, khảo sát, thiết kế, đấu thầu đến nghiệm thu, thanh quyết toán; công khai kết quả thanh tra, kiểm tra và kết quả xử lý qua thanh tra, kiểm tra''.

Quốc hội giao cho MTTQ và các tổ chức thành viên, hiệp hội nghề nghiệp, cơ quan báo chí phối hợp với cơ quan nhà nước hữu quan giám sát thực hiện Nghị quyết này, phát hiện, kiến nghị xử lý kịp thời những tiêu cực, yếu kém trong đầu tư xây dựng cơ bản. Ông Nguyễn Đức Kiên cho biết, hiện nay, Chính phủ đang xây dựng và chuẩn bị ban hành Nghị định về giám sát cộng đồng trong đầu tư.

''Trong năm 2005, Chính phủ sẽ tiếp tục có kế hoạch kiểm tra, thanh tra các công trình dự án có những biểu hiện tiêu cực được cử tri và công luận phản ánh nhiều'', Nghị quyết nêu rõ. Điều này cũng đáp ứng yêu cầu xử lý sai phạm của các công trình được nêu trong báo cáo giám sát của UBTVQH và đã được Thanh tra Chính phủ kết luận.

Trong Nghị quyết, Quốc hội cũng giao cho Hội đồng dân tộc, các Uỷ ban của Quốc hội, Đoàn Đại biểu Quốc hội tiếp tục tổ chức giám sát chuyên sâu về đầu tư xây dựng cơ bản và giám sát thực hiện Nghị quyết này. HĐND các cấp tổ chức giám sát về đầu tư xây dựng cơ bản và giám sát thực hiện Nghị quyết này ở địa phương.

Bên cạnh các biện pháp chế tài, Quốc hội yêu cầu Chính phủ khuyến khích, khen thưởng, động viên kịp thời những tổ chức, cá nhân có công phát hiện, tích cực đấu tranh với các hành vi tham nhũng, thất thoát lãng phí trong đầu tư xây dựng cơ bản.

Giải quyết nợ đọng: Tỉnh quá khó khăn, Trung ương hỗ trợ!

ĐB Trần Thị Kim Cúc (Tiền Giang) băn khoăn, giải quyết dứt điểm nợ đọng vốn xây dựng cơ bản từ nay đến năm 2006 khó thực hiện được và cần có kế hoạch trả nợ. Hoặc có ý kiến khác kiến nghị cần nêu rõ nguồn vốn để giải quyết dứt điểm nợ đọng xây dựng cơ bản vì có tỉnh nghèo không tự cân đối được.

Ông Nguyễn Đức Kiên giải trình: ''Vừa qua để xử lý các khoản nợ đọng vốn xây dựng cơ bản, ngân sách trung ương cân đối, thanh toán các khoản nợ của các bộ, ngành trung ương. Phần nợ  của các tỉnh thành phố do ngân sách địa phương tự cân đối và thanh toán. Trong dự toán ngân sách năm 2004 và dự kiến dành một phần vượt thu ngân sách địa phương, các địa phương bố trí khoảng gần 2.300 tỷ dồng để thanh toán nợ xây dựng cơ bản từ năm 2003 trở về trước. Số nợ trên 5.000 tỷ đồng còn lại được xử lý trong 2 năm 2005 và 2006 là hoàn toàn có khả năng''.

''Do vậy, UBTVQH xin giữ mốc thời gian đến hết năm 2006, có kế hoạch cụ thể, biện pháp mạnh đến giải quyết dứt điểm nợ đọng vốn xây dựng cơ bản. Những tỉnh quá khó khăn, nguồn thu quá nhỏ, có công trình quá bức thiết, buộc phải làm thì Trung ương xem xét cụ thể từng trường hợp để hỗ trợ một phần từ nguồn vượt thu ngân sách Trung ương'', ông nói.

Có ý kiến đại biểu đề nghị cân nhắc việc Quốc hội lấy năm 2005 là năm "nâng cao hiệu quả đầu tư, chống thất thoát, lãng phí, đầu tư dàn trải, nợ tồn đọng vốn đầu tư xây dựng cơ bản", vì hiệu quả đầu tư trong xây dựng cơ bản không thể đánh giá trong một năm, mà cần có thời gian dài hơn!

''UBTVQH nhận thấy những hạn chế, yếu kém trong đầu tư xây dựng cơ bản rất nghiêm trọng. Do vậy, cần phải tập trung sức, bằng các giải pháp đồng bộ, kiên quyết để khắc phục trong một thời gian, tạo sự chuyển biến tích cực ngay trong năm 2005'', ông Nguyễn Đức Kiên nói.

(Văn Tiến - VietNamNet)

Đánh giá bài viết:

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục

Quốc hội thông qua Nghị quyết về Giáo dục

Quốc hội thông qua Nghị quyết về Giáo dục

Quốc hội thông qua Nghị quyết về Giáo dục

Sáng nay (25/11), Quốc hội vừa thông qua Nghị quyết về Giáo dục. Một trong những nội dung đáng chú ý của Nghi quyết này là việc chi cho Giáo dục chiếm 20% tổng ngân sách. Trong Nghị quyết còn có những quyết định quan trọng như bỏ kỳ thi tốt nghiệp Tiểu học năm học 2004 - 2005, tiếp tục cải tiến công tác thi cử theo hướng gọn nhẹ, hiệu quả, thiết thực...

Chuyển công ty Nhà nước thành công ty cổ phần: Áp dụng cơ chế mở!

Chuyển công ty Nhà nước thành công ty cổ phần: Áp dụng cơ chế mở!

Chuyển công ty Nhà nước thành công ty cổ phần: Áp dụng cơ chế mở!

Nếu không có gì thay đổi, dự kiến đầu tháng 12 này, Nghị định 187/2004/NĐ-CP về việc chuyển công ty Nhà nước thành công ty cổ phần vừa ký ban hành ngày 16/11/2004 sẽ có hiệu lực. Với những thay đổi quan trọng về cơ chế, giới chuyên môn kỳ vọng rằng sẽ tháo gỡ được những vướng mắc của doanh nghiệp, qua đó sẽ thúc đẩy thật nhanh tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp.