Chiều qua (29/5), sau khi nghe Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng trình bày Báo cáo giải trình về việc điều chỉnh địa giới hành chính thành phố Hà Nội và một số tỉnh liên quan; Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật của Quốc hội Nguyễn Văn Thuận trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội về việc điều chỉnh địa giới hành chính giữa tỉnh Hà Tây và tỉnh Phú Thọ, giữa tỉnh Bình Phước và tỉnh Đồng Nai, thành phố Hà Nội và một số tỉnh có liên quan, Quốc hội đã tiến hành biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc mở rộng địa giới Thủ đô Hà Nội.
Trong bài phát biểu quan trọng trước Quốc hội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết: Qua thảo luận tại tổ, tại hội trường và tổng hợp kết quả phiếu xin ý kiến, đại đa số ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội tán thành chủ trương mở rộng địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội và đều khẳng định đây là chủ trương lớn, đúng đắn, có ý nghĩa lịch sử, nhằm xây dựng Thủ đô văn minh, hiện đại, trong thời kỳ công nghiệp hóa - hiện đại hóa và hội nhập kinh tế quốc tế, với tầm nhìn đến năm 2030 - 2050 và trong tương lai xa hơn. Đa số ý kiên đại biểu tán thành với phương án mở rộng địa giới hành chính thành phố Hà Nội do Chính phủ trình. Tuy nhiên, cũng còn nhiều ý kiến đại biểu băn khoăn về cách làm, phạm vi, quy mô, điều kiện và lộ trình triển khai thực hiện Đề án.
Báo cáo tiếp thu, giải trình các ý kiến kiến nghị của đại biểu Quôc hội do Thủ tướng trình bày nêu rõ: Về quá trình chuẩn bị phương án mở rộng địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội, Nghị quyết 15 của Bộ Chính trị đã khẳng định, Thủ đô Hà Nội: "Là trái tim của cả nước, đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hoá, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế. Pháp lệnh Thủ đô cũng đã xác định: "Xây dựng, phát triển Hà Nội ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại; kế thừa và phát huy truyền thống lịch sử ngàn năm văn hiến, đồng thời cũng khẳng định: "Thủ đô là trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế của cả nước".
Thực tế đó cho thấy Thủ đô Hà Nội đã và đang phải giải quyết hàng loạt vấn đề bức xúc và tình trạng quá tải, mất cân đối ngày càng lớn. Và trong quá trình xây dựng quy hoạch Thủ đô đã nhận thấy rõ sự ảnh hưởng lan tỏa của một đô thị lớn cũng như mối liên kết hữu cơ trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội giữa Hà Nội với các địa phương xung quanh. Vì vậy, không thể tìm các giải pháp phát triển Thủ đô chỉ trong ranh giới quy hoạch của Hà Nội mà cần nghiên cứu xây dựng quy hoạch Vùng Thủ đô rộng hơn nhằm giải quyết một cách cơ bản và toàn diện các yêu cầu đặt ra trong quá trình phát triển của Thủ đô Hà Nội và các tỉnh trong Vùng. Trong gần 6 năm nghiên cứu Đồ án quy hoạch xây dựng Vùng Thủ đô với mô hình Hà Nội là đô thị hạt nhân, các chuyên gia quy hoạch trong và ngoài nước đã tổ chức nghiên cứu, trao đổi qua hơn 20 cuộc hội thảo trong nước và quốc tế với sự tham gia của các Bộ, ngành, các địa phương trong Vùng và của nhiều nhà khoa học, các hội nghề nghiệp liên quan, các tổ chức quốc tế như WB, JICA, KOIKA, ADB cùng nhiều tổ chức quốc tế khác.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định: Quá trình nghiên cứu chuẩn bị phương án mở rộng địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội đã được chuẩn bị công phu, nghiêm túc, đúng quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Quá trình xây dựng đề án, đã có 5 phương án được các chuyên gia đề xuất mở rộng Thủ đô Hà Nội về các hướng khác nhau nhưng phương án 1 đã được lựa chọn với số điểm cao nhất, vì phương án này có những ưu điểm nổi bật
Theo phương án mở rộng này, địa thế của Hà Nội tựa vào dãy núi Ba Vì và hướng ra dòng sông Hồng, Hà Nội sẽ luôn giữ được thế rồng cuộn hổ ngồi tiện hướng nhìn sông dựa núi; tiếp nối được giá trị khoa học và nghệ thuật trong lịch sử hình thành và phát triển đô thị Việt Nam là luôn gắn môi trường sống của con người với môi trường cảnh quan thiên nhiên, đó cũng là xu hướng phát triển bền vững nhất mà nước ta cũng như các quốc gia trên thế giới đang hướng tới.
Sau bài phát biểu quan trọng của Thủ tướng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Văn Thuận đã trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội về việc điều chỉnh địa giới hành chính giữa tỉnh Hà Tây và tỉnh Phú Thọ, giữa tỉnh Bình Phước và tỉnh Đồng Nai, thành phố Hà Nội và một số tỉnh có liên quan; Phó Chủ nhiệm Uỷ ban pháp luật của Quốc hội Trần Đình Long trình bày dự thảo Nghị quyết về việc điều chỉnh địa giới hành chính thành phố Hà Nội và một số tỉnh có liên quan.
Cuối phiên họp chiều nay, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết điều chỉnh địa giới hành chính giữa tỉnh Hà Tây và tỉnh Phú Thọ, giữa tỉnh Bình Phước và tỉnh Đồng Nai, đạt tỷ lệ 96,75%; Quốc hội cũng đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc mở rộng địa giới Thủ đô Hà Nội với tỷ lệ tán thành đạt 92,9%.
Về thời điểm có hiệu lực của Nghị quyết về việc mở rộng địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, Chính phủ đề nghị Quốc hội cho phép thực hiện thời điểm có hiệu lực của Nghị quyết mở rộng địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội từ ngày 1/8/2008.
Mở rộng địa giới hành chính thành phố Hà Nội như sau:
1. Hợp nhất toàn bộ 219.341,11 ha diện tích tự nhiên và 2.568.007 nhân khẩu của tỉnh Hà Tây với thành phố Hà Nội.
2. Điều chỉnh toàn bộ 14.164,53 ha diện tích tự nhiên và 187.255 nhân khẩu của huyện Mê Linh, tỉnh Vĩnh Phúc vào thành phố Hà Nội.
3. Điều chỉnh toàn bộ 8.783, 92 ha diện tích tự nhiên và 20.254 nhân khẩu của 4 xã là: Đông Xuân, Tiến Xuân, Yên Bình, Yên Trung thuộc huyện Lương Sơn tỉnh Hoà Bình vào thành phố Hà Nội.
Thành phố Hà Nội mới sẽ có 334.470,02 ha diện tích tự nhiên và 6.232.940 nhân khẩu.
. (Theo HNM)