Quốc hội thảo luận Luật Xuất bản (sửa đổi) và Luật Cạnh tranh

Ngày 30/10, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Xuất bản (sửa đổi) và dự thảo Luật Canh tranh. Đây là ngày làm việc thứ sáu, kỳ họp thứ 6, QH khóa XI.

Các đại biểu làm việc với sự điều khiển của Phó Chủ tịch QH Trương Quang Ðược.

Buổi sáng các đại biểu tiếp tục thảo luận về dự án Luật Xuất bản, trong đó tập trung làm rõ một số vấn đề còn ý kiến khác nhau.

Ðề cập việc liên kết trong lĩnh vực XB, nhiều đại biểu tỏ ra đồng tình và nhất trí cao với những quy định trong dự thảo và tinh thần đổi mới được Ban soạn thảo thể hiện, song cũng chỉ rõ những mặt còn hạn chế, bất cập. Ðại biểu Nguyễn Ðình Xuân (Tây Ninh) đề nghị Ban soạn thảo nên nghiên cứu, cân nhắc thêm vấn đề này.

Về mục đích của hoạt động XB, đại biểu Bùi Văn Phong (Hòa Bình) cho rằng, hoạt động XB thuộc lĩnh vực văn hóa, tư tưởng, nó đáp ứng, phục vụ nhu cầu đời sống tinh thần của nhân dân, nâng cao dân trí, xây dựng đạo đức và lối sống tốt đẹp của người Việt Nam, góp phần phát triển kinh tế-xã hội và đấu tranh chống mọi tư tưởng và hành vi làm tổn hại lợi ích quốc gia.

Song, từ thực tiễn công tác, đại biểu này cho rằng, không phải hoạt động XB sai trái nào cũng xâm hại lợi ích quốc gia, mà có những hoạt động XB chỉ dừng lại ở mức độ xâm hại lợi ích của một hay một vài tổ chức, cá nhân nào đó mà thôi. Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo nên quan tâm điểm này và có sự điều chỉnh, bổ sung cho chuẩn xác hơn.

Còn một số đại biểu đăng ký phát biểu ý kiến, nhưng theo chương trình kỳ họp, Phó Chủ tịch QH Trương Quang Ðược đề nghị các đại biểu chuyển ý kiến cho Ðoàn thư ký, Ban soạn thảo để tiếp thu, chỉnh lý và trình QH thảo luận, thông qua trong phiên họp sau.

Buổi chiều, QH thảo luận dự thảo Luật Cạnh tranh. Mở đầu phiên họp, QH nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ QH, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế- Ngân sách của QH Nguyễn Ðức Kiên, trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu chỉnh lý dự thảo Luật Cạnh tranh. Báo cáo cho biết: Tại kỳ họp thứ 5, QH khóa XI, QH đã thảo luận và cho nhiều ý kiến về dự thảo luật này. Sau kỳ họp 5, Ủy ban Thường vụ QH đã chỉ đạo cơ quan thẩm tra, Ban soạn thảo, các cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu QH, chỉnh lý dự thảo luật, đồng thời đưa ra thảo luận, xin ý kiến tại Hội nghị đại biểu QH chuyên trách; trên cơ sở ý kiến của các vị đại biểu QH chuyên trách, dự thảo luật đã được hoàn thiện thêm một bước để trình QH tại kỳ họp này.

Về nội dung của dự thảo Luật, Báo cáo cho biết: Nhiều ý kiến của đại biểu QH đề nghị quy định cụ thể, chi tiết hơn về thẩm quyền của cơ quan quản lý cạnh tranh, của Hội đồng cạnh tranh, về quyền và nghĩa vụ của các cá nhân và tổ chức tham gia tố tụng cạnh tranh, về thủ tục, trình tự giải quyết khiếu nại quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh... Ủy ban Thường vụ QH nhận thấy, việc bổ sung các nội dung trên là cần thiết và đáp ứng yêu cầu rõ ràng, minh bạch, công khai trong quản lý cạnh tranh, trong giải quyết, xử lý vụ việc cạnh tranh.

Sau khi chỉnh sửa, dự thảo Luật Cạnh tranh trình QH lần này tăng 23 điều, đồng thời bổ sung 25 điều, gồm các điều về quyền và nghĩa vụ của các bên tham gia tố tụng cạnh tranh, người tiến hành tố tụng cạnh tranh; giải quyết khiếu nại quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh.

Về phạm vi điều chỉnh của Luật, Báo cáo cho biết: Ða số đại biểu QH tán thành phạm vi điều chỉnh của Luật là chỉ điều chỉnh các hành vi hạn chế cạnh tranh và cạnh tranh không lành mạnh. Một số ý kiến đề nghị, bổ sung quy định về chính sách khuyến khích cạnh tranh, cạnh tranh lành mạnh, trình tự, thủ tục giải quyết vụ việc cạnh tranh vào phạm vi điều chỉnh của Luật. Tiếp thu ý kiến của các đại biểu, Ủy ban Thường vụ QH bổ sung trình tự, thủ tục giải quyết vụ việc cạnh tranh vào Ðiều 1, nhằm làm rõ thêm những nội dung được quy định trong dự thảo luật; đồng thời thống nhất với một số luật mới được QH thông qua (như Luật Phá sản) và thể hiện lại điều 1 như sau: ‘’Luật này quy định về hành vi hạn chế cạnh tranh, hành vi cạnh tranh không lành mạnh, trình tự, thủ tục giải quyết vụ việc cạnh tranh, biện pháp xử lý vi phạm pháp luật cạnh tranh’’.

Về phần tổ chức quản lý nhà nước về cạnh tranh, đa số ý kiến tán thành với quy định của dự thảo luật về việc giao Bộ Thương mại thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với hoạt động cạnh tranh. Một số ý kiến cho rằng Bộ Thương mại là bộ chủ quản của nhiều doanh nghiệp nhà nước quan trọng, do vậy khó bảo đảm tính độc lập, công bằng, khách quan trong việc thực hiện chức năng quản lý nhà nước về cạnh tranh.

Về vấn đề này, Ủy ban Thường vụ QH giải trình như sau: Ðể hoàn thiện hệ thống pháp luật phù hợp với yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế, Chính phủ đang chỉ đạo sắp xếp lại các DNNN và tiến hành soạn thảo một Luật Doanh nghiệp áp dụng chung cho mọi loại hình doanh nghiệp trên cơ sở hợp nhất Luật DNNN, Luật Doanh nghiệp, Luật Ðầu tư nước ngoài tại Việt Nam theo hướng xóa bỏ hình thức bộ chủ quản. Tới đây, Bộ Thương mại sẽ không còn là cơ quan chủ quản của các doanh nghiệp nhà nước. Hơn nữa, hiện nay, số DNNN thuộc Bộ Thương mại quản lý không nhiều. Về lâu dài, việc hình thành một cơ quan quản lý nhà nước độc lập (không thuộc Bộ Thương mại) nhằm thực hiện chức năng quản lý nhà nước về cạnh tranh là cần thiết. Nhưng trong giai đoạn trước mắt, do chưa có kinh nghiệm về lĩnh vực này, để sớm triển khai thực hiện Luật Cạnh tranh, việc giao Bộ Thương mại đảm nhiệm chức năng quản lý nhà nước về cạnh tranh trong thời gian trước mắt là cần thiết và hợp lý.

Về vấn đề tập trung kinh tế, Báo cáo giải trình cho biết: Ða số ý kiến đại biểu QH tán thành với quy định của dự thảo Luật và đề nghị cần kiểm soát quá trình tập trung kinh tế để tránh dẫn đến hậu quả xấu cho nền kinh tế. Tuy nhiên, có ý kiến chưa tán thành các quy định trong dự thảo Luật về tập trung kinh tế và cho rằng, các quy định này chưa thể hiện chủ trương lớn của Ðảng và Nhà nước trong sắp xếp, đổi mới và phát triển doanh nghiệp, hình thành các tập đoàn kinh tế ở Việt Nam, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh cho nền kinh tế.

Dự thảo Luật Cạnh tranh lần thứ 15 trình QH thảo luận, thông qua gồm sáu chương, 123 điều. Thay mặt Ðoàn Thư ký kỳ họp, đại biểu Trịnh Huy Quách đọc một số điều, khoản Luật Cạnh tranh đã được tiếp thu chỉnh lý.

Thảo luận dự thảo Luật Cạnh tranh, các đại biểu đều cho rằng, cần thiết ban hành luật này để tăng cường quản lý nhà nước về cạnh tranh, bảo đảm tính minh bạch và môi trường cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng. Các đại biểu tập trung góp ý kiến vào một số điều, khoản cụ thể còn có ý kiến khác nhau. Ðại biểu Nguyễn Ngọc Trân (An Giang) đề nghị cần xem xét, bổ sung một số điều về sở hữu trí tuệ cho phù hợp Công ước quốc tế về sở hữu trí tuệ, bản quyền mà Việt Nam vừa tham gia và các công ước quốc tế khác, các hiệp định giữa Việt Nam ký kết với các nước khác cho phù hợp xu thế hội nhập kinh tế thế giới. Ðại biểu Trần Hữu Hậu (Tây Ninh), Võ Quốc Thắng (An Giang), Nguyễn Thị Anh Nhân (Hà Nội), đề nghị, cần có quy định cấm bán hàng đa cấp bất chính, bắt người tham gia đặt cọc với số tiền lớn, vì đây là hình thức kinh doanh theo kiểu chụp giật.

Ðại biểu Phạm Quý Tỵ (Hà Nội) và Lê Doãn Hợp (Nghệ An) cho rằng, ở Ðiều 61, cần bổ sung quy định việc bồi thường thiệt hai do lỗi của điều tra viên. Nếu điều tra viên có lỗi trong việc gây ra thiệt hại cho bên bị điều tra, thì cơ quan quản lý cạnh tranh phải bồi thường theo thỏa thuận, nếu không thỏa thuận được, thì đưa ra tòa án xem xét giải quyết. Cần quy định trách nhiệm của thủ trưởng cơ quan quản lý cạnh tranh và điều tra viên phải có trách nhiệm giữ bí mật kinh doanh của doanh nghiệp trong quá trình tố tụng cạnh tranh.

Còn nhiều đại biểu QH đăng ký phát biểu, Phó Chủ tịch QH Trương Quang Ðược đề nghị chuyển sang phiên họp ngày 1/11.

Ngày 31/10, chủ nhật QH nghỉ. Thứ hai, ngày 1/11, QH tiếp tục làm việc theo chương trình.

(Theo Nhân Dân Điện Tử)

 

Chia sẻ:
Đánh giá bài viết:
(1 đánh giá)

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục