Quốc hội thảo luận dự án Luật Thương mại (sửa đổi)

Hôm qua 8/11, ngày làm việc thứ 12, kỳ họp thứ 6, QH khóa XI. Với sự điều khiển của Phó Chủ tịch QH Trương Quang Được, các đại biểu làm việc tại Hội trường, thảo luận về dự án Luật Thương mại (sửa đổi).

Mở đầu ngày làm việc, Phó Chủ  tịch QH Trương Quang Được nêu rõ tầm quan trọng của Luật Thương mại trong đời sống kinh tế- xã hội của đất nước, đồng thời cho biết, kỳ họp sau QH sẽ biểu quyết thông qua. Phó Chủ tịch đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận 12 nhóm vấn đề trọng tâm còn nhiều ý kiến khác nhau, đó là: phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng của luật; áp dụng luật thương mại và các luật khác có liên quan; thương nhân; quyền và nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng mua bán hàng hóa; cung ứng dịch vụ; môi giới thương mại;  qua sở giao dịch hàng hóa; gia công thương mại; đấu giá, đấu thầu hàng hóa; dịch vụ logistic; dịch vụ giám định và chế tài trong thương mại...

Đi vào thảo luận cụ thể, hầu hết các ý kiến đại biểu, bên cạnh việc đánh giá cao hiệu quả, tác dụng của Luật Thương mại năm 1997 trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội đất nước, đều nhất trí cho rằng, đã đến lúc phải sửa đổi luật, nhằm đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi của cuộc sống, nhất là khi chúng ta đang trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế và chuẩn bị gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Các đại biểu nhất trí cao với đánh giá trong Tờ trình của Chính phủ cho rằng, Luật Thương mại, sau gần 7 năm thực hiện, đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập,  gây không ít trở ngại cho sự phát triển của các hoạt động thương mại.

Đề cập nội dung phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng của luật, các đại biểu Nguyễn Thị Hồng Minh (An Giang), Vũ Minh Mão (Thái Bình), Phan Trung Lý (Nghệ An), Trần Thanh Khiêm (Cà Mau)... đều cơ bản nhất trí với quy định trong dự thảo và nhận xét nội dung này đã được mở rộng và bao quát hơn, thể hiện được nguyên tắc tôn trọng sự thỏa thuận và tự định đoạt của các bên trong quan hệ thương mại, trong một nền kinh tế thị trường hội nhập và đang ngày càng phát triển mạnh mẽ.

Tuy nhiên, các đại biểu này cũng cho rằng, qua nghiên cứu pháp luật của một số nước trên thế giới và thực tiễn hoạt động thương mại ở nước ta thời gian qua, nhận thấy những quy định như trong dự thảo còn chung chung, chưa rõ ràng và chặt chẽ.

Vấn đề thương nhân quy định tại Điều 5 được các đại biểu quan tâm thảo luận. Chung quanh nội dung này, nhiều ý kiến đại biểu tỏ ra băn khoăn,  vì  nghĩa vụ của thương nhân chưa được đề cập đúng mức, chẳng hạn như trách nhiệm của thương nhân trong việc bảo vệ môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm và rất nhiều vấn đề khác có liên quan.

Có đại biểu nhấn mạnh, thương nhân là trung tâm điểm của dự án Luật Thương mại, cần phải có một chương riêng quy định về vấn đề này, nhưng trong dự thảo, chẳng những chưa có chương riêng, mà mức độ và liều lượng quy định về trách nhiệm, quyền hạn của thương nhân quy định chưa tương xứng. Đó là chưa nói đến việc, nếu cứ quy định như trong dự thảo thì ai cũng trở thành thương nhân được, chẳng cần điều kiện cần thiết và tối thiểu, chỉ cần là tổ chức, cá nhân hoạt động thương mại một cách độc lập, thường xuyên như một nghề nghiệp là được.

Từ sự phân tích này, một số đại biểu đề nghị Ban Soạn thảo cần nghiên cứu, sửa đổi quy định về thương nhân cho chặt chẽ hơn, có điều kiện cần thiết  để trở thành thương nhân. Và điều quan trọng hơn ở đây là, quy định phải thể hiện được vóc dáng- bản lĩnh của đội ngũ thương nhân Việt Nam trong thời kỳ đổi mới và phát triển của đất nước trong thế kỷ 21. Cũng với tinh thần đó, đại biểu Nguyễn Thị Nghĩa (TP Hồ Chí Minh) đề nghị khoản 2, Điều 6 quy định về quyền hoạt động thương mại của thương nhân nên bổ sung cụm từ hình thức và phương thức cho phù hợp và đầy đủ hơn. Nội dung của khoản này sẽ là: Thương nhân có quyền hoạt động thương mại trong các ngành nghề, tại các địa bàn, với mọi hình thức, phương thức kinh doanh mà pháp luật không cấm.

Thảo luận nội dung áp dụng Luật Thương mại và các luật khác có liên quan (Điều 3), đại biểu Nguyễn Ngọc Trân (An Giang) và Phan Trung Lý (Nghệ An), Nguyễn Đình Lộc (TP Hồ Chí Minh) cho rằng, quy định như dự thảo chưa ổn và chưa thống nhất giữa Luật Thương mại với  Bộ luật Dân sự  và một số luật khác. Vì vậy, các đại biểu này đề nghị Ban Soạn thảo nghiên cứu và điều chỉnh lại cho phù hợp về mặt nguyên tắc trong áp dụng Luật Thương mại (sửa đổi) với các luật có liên quan.

Có ý kiến đại biểu đề nghị Đoàn Chủ tịch kỳ họp cho thảo luận Bộ luật Dân sự (sửa đổi) trước khi thảo luận Luật Thương mại, vì Luật Thương mại có nhiều điều, khoản  nằm trong  Bộ luật Dân sự. Về vấn đề này, Phó Chủ tịch QH Trương Quang Được cho biết, theo Chương trình, QH thảo luận, cho ý kiến về Bộ luật Dân sự (sửa đổi) trước Luật Thương mại. Song, vì đồng chí Bộ trưởng Thương mại, Trưởng Ban soạn thảo Luật Thương mại Trương Đình Tuyển  thời gian tới phải đi dự hội nghị quốc tế, nên  Đoàn Chủ tịch kỳ họp chuyển  phần thảo luận  dự án Luật Thương mại lên trước. Đồng thời Phó Chủ tịch Trương Quang Được đề nghị Bộ trưởng Thương mại Trương Đình Tuyển nói rõ thêm một số nội dung của dự án Luật Thương mại (sửa đổi).

Đồng chí Trương Đình Tuyển đã trình bày rõ thêm một số nguyên tắc  cơ bản trong  hoạt động thương mại và mối quan hệ giữa Luật Thương mại (sửa đổi) lần này với  Bộ luật Dân sự (sửa đổi) và các luật khác, như Luật Tài chính, Ngân hàng, Bảo hiểm, Luật Cạnh tranh, luật về giao thông vận tải,.. và đề nghị QH cho phép   thảo luận dự án Luật Thương mại trước Bộ luật Dân sự (sửa đổi).

Tiếp tục thảo luận dự án Luật Thương mại,  hầu hết ý kiến các đại biểu  tán thành với quan điểm phải có sự giải thích từ ngữ trong luật, vì trong lĩnh vực thương mại có nhiều thuật ngữ pháp lý, nếu không giải thích thì nhiều người không thể hiểu và  khó áp dụng. Đó là các khái niệm như: logistic, dịch vụ, đại lý, sở giao dịch hàng hóa, tập quán thương mại, xúc tiến thương mại...  Giải thích từ ngữ như Điều 8 của dự thảo luật mới chỉ có ba khái niệm là hoạt động thương mại, hàng hóa và thông điệp dữ liệu. Các đại biểu cũng nhất trí với quan điểm đưa  các khái niệm cần giải thích, làm rõ vào Điều 8 của dự thảo, không nên để ở nhiều điều luật khác nhau.

Đại biểu Trương Văn Hiền (Nghệ An) đề nghị cần bổ sung quy định về quyền và trách nhiệm của đại diện văn phòng thương nhân nước ngoài tại Việt Nam ở khoản 1, 2, 3 Điều 19, vì hiện nay có tình hình, đại diện văn phòng của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam  có một số là người Việt Nam hoặc cán bộ, công chức về hưu, khi xảy ra khiếu kiện, làm ăn thua lỗ, thì họ không chịu trách nhiệm và không đủ thẩm quyền hoặc tài sản chịu trách nhiệm. Đồng thời cần quy định rõ các hành vi vi phạm đến mức nào  của các văn phòng đại diện thương nhân nước ngoài tại Việt Nam, thì có thể thu giấy phép, đình chỉ hoạt động đối với cá nhân đại diện văn phòng này.

Các đại biểu đề nghị cần có điều, khoản bổ sung  quy định về nhãn hiệu hàng hóa, thương hiệu sản phẩm của hàng hóa, của  doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, tránh tình trạng làm hàng giả, hàng nhái. Các đại biểu Nguyễn Thị Hồng Minh (An Giang), Phan Trung Lý (Nghệ An) đề nghị bổ sung trách nhiệm của thương nhân trong việc bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, về bảo vệ môi trường và nuôi dưỡng, bảo vệ nguồn lợi, thí dụ khi khai thác nguồn lợi về cá, tôm, nếu nhỏ hơn kích cỡ do pháp luật quy định thì không được đánh bắt.

Góp ý nội dung các điều 286, 287  và 288 về các chế tài thương mại và  giải quyết tranh chấp thương  mại, các đại biểu  Phạm Thị Thu Hòa (Thái Bình), Đặng Văn Xướng (Long An), Đặng Văn Thanh (Cần Thơ) đề nghị quy định rõ, khi một bên tham gia vi phạm hợp đồng thương mại mà gây thiệt hại cho bên kia, thì bên vi phạm phải bồi hoàn thiệt hại theo thỏa thuận hợp đồng đã ký, trừ trường hợp bất khả kháng.

Tuy nhiên, không nên quy định cứng nhắc là mức bồi thường không quá 8% giá trị nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm. Mà quy định rõ  phải bồi thường theo giá trị thực tế hợp đồng bị vi phạm và khoản lợi trực tiếp mà bên bị vi phạm đáng lẽ được hưởng. Thí dụ, có một công ty giống cây trồng hợp đồng cung ứng giống  lúa cho nông dân một huyện, một xã gieo trồng, nhưng vì giống  lúa này không bảo đảm chất lượng theo hợp đồng, làm cho năng suất lúa bị thất thu.

Nếu chỉ phạt bên vi phạm không quá 8 % giá trị hợp đồng, thì công ty cung ứng giống lúa  đó  sẽ vui lòng chịu phạt hoặc tìm cách  đền bù  với mức phạt tối đa chỉ 8 % về giá giống lúa ban đầu. Trong khi nông dân tổn thất thực tế về năng suất và những khoản lợi là sản phẩm được bán ra là rất lớn, gây ảnh hưởng đến đời sống của nông dân xã đó, huyện đó.

Còn nhiều ý kiến đăng ký phát biểu, tuy nhiên theo chương trình, Phó Chủ tịch QH Trương Quang Được đề nghị các đại biểu gửi ý kiến đóng góp bằng văn bản tới Đoàn Thư ký, Ban Soạn thảo để Ủy ban Thường vụ QH tiếp thu, chỉnh lý, trình QH thảo luận trong kỳ họp sau.

Hôm nay, 9/11, QH tiếp tục làm việc theo chương trình.

(Theo Nhân Dân Điện Tử)

Xem thêm: Luật Thương mại: 10 điều dân kinh doanh phải biết trong năm 2018

Đánh giá bài viết:
Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi 19006192

Tin cùng chuyên mục

Bộ Tài nguyên Môi trường tiếp tục ban hành văn bản hướng dẫn quy định về đất đai

Bộ Tài nguyên Môi trường tiếp tục ban hành văn bản hướng dẫn quy định về đất đai

Bộ Tài nguyên Môi trường tiếp tục ban hành văn bản hướng dẫn quy định về đất đai

Ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị định 181/2004/NĐ-CP về thi hành Luật Đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã liên tiếp ban hành nhiều văn bản hướng dẫn các lĩnh vực cụ thể liên quan đến thi hành Luật Đất đai. Mới đây nhất là Thông tư 28/2004/TT-BTNMT hướng dẫn thực hiện thống kê, kiểm kê đất đai và xây dựng bản đồ hiện trạng sử dụng đất, Thông tư 29/2004/TT-BTNMT hướng dẫn lập, chỉnh lý, quản lý hồ sơ địa chính, và Thông tư 30/2004/TT-BTNMT hướng dẫn lập, điều chỉnh và thẩm định quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.