Quốc hội thảo luận các dự án Luật Cạnh tranh và Luật An ninh quốc gia

Sáng 1/11, kỳ họp thứ 6, QH khóa XI vào ngày làm việc thứ 7. Tại Hội trường, với sự điều khiển của Phó Chủ tịch QH Trương Quang Ðược, các đại biểu QH tiếp tục thảo luận về dự án Luật Cạnh tranh và Luật An ninh quốc gia.

Vấn đề thu hút nhiều đại biểu quan tâm thảo luận là: cạnh tranh không lành mạnh. Ở Ðiều 3, khoản 4 giải thích: ‘‘Cạnh tranh không lành mạnh’‘ là hành vi của doanh nghiệp nhằm mục đích cạnh tranh trong quá trình kinh doanh trái với các chuẩn mực đạo đức kinh doanh, gây thiệt hại hoặc có thể gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp khác hoặc người tiêu dùng. Ðại biểu Ðinh La Thăng (Thừa Thiên-Huế) đề nghị sửa đổi cụm từ: ‘‘cạnh tranh không lành mạnh’‘ bằng cụm từ: ‘‘cạnh tranh trái pháp luật’‘. Vì, chuẩn mực đạo đức kinh doanh ở mỗi nước khác nhau, thậm chí từng vùng, từng tỉnh cũng khác nhau và trong từng loại hình doanh nghiệp: Nhà nước, tư nhân, thì chuẩn mực đạo đức, văn hóa kinh doanh cũng khác nhau. Ngoài khái niệm nói trên, nhiều đại biểu đã đóng góp ý kiến vào Chương III, quy định: Các hành vi cạnh tranh không lành mạnh. Ðại biểu Nguyễn Thị Hồng Xinh (Bà Rịa-Vũng Tàu) cho rằng, hành vi cạnh tranh lành mạnh thì Nhà nước cho phép, khuyến khích, nhưng hành vi cạnh tranh không lành mạnh thì cấm. Cho nên, Ðiều 39, Chương III: Hành vi cạnh tranh không lành mạnh đổi là: Hành vi cạnh tranh bị cấm. Trong điều này quy định chín hành vi cạnh tranh không lành mạnh là chưa thể hiện đầy đủ những diễn biến của nền kinh tế thị trường đang diễn ra hằng ngày. Ðại biểu Nguyễn Thị Nghĩa (TP Hồ Chí Minh) tán thành ý kiến của hai đại biểu nói trên và đề nghị ở Ðiều 39 cần quy định thêm khoản 10, giao Chính phủ quy định những hành vi cạnh tranh không lành mạnh bị cấm khác. Một số đại biểu đề nghị bổ sung Ðiều 39 các hành vi cạnh tranh không lành mạnh như: bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ dưới giá thành toàn bộ, vì như vậy người bán hàng đã chiếm thị phần nhanh chóng và áp đảo các doanh nghiệp nhỏ và vừa, yếu thế trong khi họ chưa phải là doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh thị trường.

Vấn đề thứ hai được nhiều đại biểu cho ý kiến là: Các trường hợp miễn trừ quy định tại Ðiều 19, Chương II. Ðiều này quy định việc tập trung kinh tế bị cấm ở Ðiều 18 có thể được xem xét miễn trừ trong hai trường hợp sau: Một là: ‘‘Một hay nhiều bên tham gia tập trung kinh tế đang trong nguy cơ bị giải thể hoặc lâm vào tình trạng phá sản’‘. Hai là: ‘‘Việc tập trung kinh tế có tác dụng mở rộng xuất khẩu hoặc góp phần phát triển kinh tế-xã hội và tiến bộ kỹ thuật được Thủ tướng Chính phủ cho phép’‘. Nhưng ở Ðiều 25 quy định về thẩm quyền quyết định việc miễn trừ thì lại quy định Bộ trưởng Thương mại xem xét, quyết định bằng văn bản việc miễn trừ quy định tại khoản 1, Ðiều 19; Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định bằng văn bản việc miễn trừ quy định ở khoản 2, Ðiều 19. Do vậy đề nghị bổ sung Ðiều 19 ý: Bộ trưởng Bộ Thương mại cho phép, để hợp lô-gích.

Một vấn đề nữa đáng chú ý là: Bộ máy giải quyết cạnh tranh. Nếu giao cho cơ quan quản lý cạnh tranh hai chức năng: Chức năng quản lý Nhà nước và chức năng xử lý, theo đại biểu Nguyễn Ðình Lộc (TP Hồ Chí Minh), là trường hợp cá biệt trong thực tế. Ðại biểu này cho rằng, quản lý là quản lý và xử lý là xử lý, phải có hai cơ quan khác nhau.

Sau khi kết thúc thảo luận dự án Luật Cạnh tranh, QH chuyển qua xem xét dự án Luật An ninh quốc gia. Với sự điều khiển của Phó Chủ tịch QH Nguyễn Phúc Thanh, các đại biểu đã nghe Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của QH Nguyễn Văn Khá đọc báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật An ninh quốc gia, nêu rõ dự thảo luật này đã được các đại biểu QH đóng góp ý kiến tại kỳ họp trước. Trên cơ sở đó, dự án luật đã được tiếp thu hoàn chỉnh trình QH xem xét, thông qua. Ðại biểu Ðỗ Ngọc Quang, Ủy viên Ðoàn Thư ký kỳ họp, đọc dự thảo Luật An ninh quốc gia. Thảo luận về dự án luật này, các ý kiến phát biểu đều cơ bản tán thành với báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý của Ủy ban Thường vụ QH và bản dự thảo; trong đó tập trung vào những nội dung sau: Tên gọi của Luật và khái niệm an ninh quốc gia; Phạm vi, đối tượng điều chỉnh của dự án Luật An ninh quốc gia; Chính sách an ninh quốc gia; Chính sách xử lý các hành vi xâm phạm an ninh quốc gia; Các hành vi bị nghiêm cấm; Nhiệm vụ và các biện pháp cơ bản bảo vệ an ninh quốc gia; Về xây dựng thế trận an ninh nhân dân; Quyền và nghĩa vụ của công dân trong bảo vệ an ninh quốc gia; Các cơ quan bảo vệ an ninh quốc gia; Quản lý Nhà nước về bảo vệ an ninh quốc gia... Nhiều ý kiến cho rằng, bảo vệ an ninh quốc gia là trách nhiệm của toàn Ðảng, toàn dân, của các lực lượng vũ trang và cả hệ thống chính trị. Về trách nhiệm của MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên trong việc bảo vệ an ninh quốc gia, một số ý kiến tán thành như dự thảo nhưng nhấn mạnh: MTTQ và các tổ chức thành viên không chỉ tuyên truyền, vận động quần chúng, mà đây còn là một lực lượng quan trọng trong công tác bảo vệ an ninh quốc gia; đồng thời nhấn mạnh vai trò của nhân dân trong công tác này. Nhiều ý kiến tán thành quy định chế độ, chính sách đối với cán bộ, chiến sĩ cơ quan chuyên trách bảo vệ an ninh quốc gia.

Ngày 2/11, QH làm việc tại Hội trường.

(Theo Nhân Dân Điện Tử)

 

Đánh giá bài viết:
Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi 19006192

Tin cùng chuyên mục

Tạo điều kiện cho công dân đăng ký hộ khẩu thường trú tại đô thị lớn

Tạo điều kiện cho công dân đăng ký hộ khẩu thường trú tại đô thị lớn

Tạo điều kiện cho công dân đăng ký hộ khẩu thường trú tại đô thị lớn

UBTVQH vừa gửi Công văn đề nghị Thủ tướng sớm chỉ đạo rà soát lại Nghị định số 51/CP ngày 10/5/1997 về đăng ký và quản lý hộ khẩu. Theo đó, hướng sửa đổi là tạo điều kiện thuận lợi cho công dân đăng ký hộ khẩu thường trú tại địa phương, nhất là các đô thị lớn.