Sáng nay 8/11, Quốc hội (QH) làm việc tại Hội trường, thảo luận về dự án Luật thương mại (sửa đổi). Đây là dự án Luật sẽ được xem xét tại hai kỳ họp QH liên tiếp và sẽ được thông qua vào kỳ họp QH sau. Các vấn đề về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng; về thương nhân; quyền và nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng mua bán hàng hóa; việc môi giới, giải quyết các tranh chấp trong thương mại... là các vấn đề được nhiều đại biểu thảo luận sáng nay.
Các đại biểu đều nhất trí với việc sửa đổi Luật thương mại để phù hợp hơn với điều kiện và tình hình mới, hội nhập kinh tế quốc tế của đất nước. Dự án Luật lần này đã bao quát hơn so với luật trước, một số loại hình mới trong giao dịch hàng hóa đã được đưa vào luật để điều chỉnh như: quá cảnh hàng hóa, cho thuê hàng hóa, mua bán hàng hóa qua Sở giao dịch... Mặc dù vậy, theo đại biểu Lê Minh Hồng (tỉnh Ninh Bình), một số loại hình thương mại áp dụng cho thị trường hàng hóa mới như: giao dịch thương mại trong thị trường lao động, chứng khoán, khoa học công nghệ... dự án Luật chưa đề cập đến.
Đại biểu Dương Kim Anh (tỉnh Trà Vinh) đề cập đến việc chúng ta đã ký kết Hiệp định thương mại với Hoa Kỳ, lại đang chuẩn bị gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Do vậy những nguyên tắc, nội dung hoạt động của WTO cũng rất cần được thể hiện trong dự án Luật lần này. Mặt khác, WTO cũng chấp nhận việc gia nhập có lộ trình cho các nước đang phát triển như VN, vì vậy dự án Luật thương mại sửa đổi cũng cần thể hiện các đặc thù này.
Đại biểu Trần Thanh Khiêm (tỉnh Cà Mau) nhận xét, giữa Luật thương mại và Luật dân sự có sự thống nhất về nguyên tắc, nhất là những quy định chung liên quan đến tư cách pháp lý của các bên khi ký kết, thực hiện hợp đồng. Tuy nhiên cần có sự điều chỉnh cho phù hợp với từng hành vi giao dịch cụ thể (ví dụ giữa một bên là thương nhân và một bên không phải là thương nhân thì nên áp dụng Luật thương mại hay Luật dân sự?).
Đại biểu Bùi Sĩ Lợi (tỉnh Thanh Hóa) cho rằng hoạt động thương mại là hoạt động sinh lời, bao gồm: mua bán hàng hóa, xúc tiến thương mại và các hoạt động nhằm mục đích sinh lợi khác. Do vậy dự thảo Luật phải được nghiên cứu, xác định rõ hơn phạm vi điều chỉnh cho hợp lý, không nên chỉ điều chỉnh trong khuôn khổ hoạt động thương mại là hàng hóa truyền thống mà phải đề cấp đến đầy đủ các loại hàng hóa của các thị trường khác mà hoạt động giao dịch có bản chất là giao dịch thương mại có sinh lời. Do đó, nếu theo dự thảo Luật chỉ quy định có những thương nhân hoạt động thương mại là chưa đầy đủ, mà nó phải được áp dụng cho mọi đối tượng, đây là điều hết sức cần thiết khi chúng ta hòa nhập với nền kinh tế thế giới.
Liên quan đến khái niệm thương nhân, đại biểu Nguyễn Hoàng Anh (TP Hải Phòng) có ý kiến, khái niệm thương nhân nêu trong dự thảo là đúng nhưng chưa đủ, vì khái niệm thương nhân có hoạt động thương mại lại khác hoàn toàn. Thương nhân chưa hoặc không đăng ký kinh doanh thì theo đại biểu không thể áp dụng theo luật này. Mặt khác, liệu luật có áp dụng cho những người buôn bán nhỏ hay không?
Ngoài ra, nhiều đại biểu còn cho các ý kiến khác về các vấn đề như: khái niệm thương mại là rất rộng, không chỉ bó hẹp trong các giao dịch thương mại đơn thuần; các khái niệm như tập quán thương mại, thói quen thương mại; trách nhiệm của văn phòng đại diện; quy định về hợp đồng thương mại... cũng cần được làm rõ thêm trong dự án Luật thương mại (sửa đổi).
(Hồng Hải - Hà Nội Mới)