Phụ nữ dân tộc thiểu số sinh con được hỗ trợ đến hơn 2 triệu đồng

Ngày 04/03/2022, Bộ Tài chính ban hành Thông tư 15/2022/TT-BTC về việc quy định quản lý và sử dụng kinh phí sự nghiệp thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I từ năm 2021 đến 2025.

Cụ thể, Điều 38 quy định mức hỗ trợ theo phương thức khoán cho bà mẹ sinh đẻ an toàn và chăm sóc tại nhà sau sinh tại các tỉnh có đông người dân tộc thiểu số và có tỷ lệ sinh con tại nhà cao hơn mức trung bình của cả nước (không bao gồm các dịch vụ được thanh toán từ quỹ bảo hiểm y tế) như sau:

- Hỗ trợ chi phí đi lại cho bà mẹ và 01 người nhà chăm sóc khi đến sinh con tại cơ sở y tế: 100.000 đồng/người;

- Hỗ trợ gói vật tư chăm sóc khi sinh gồm bỉm sơ sinh, băng vệ sinh cho bà mẹ, tã lót, áo sơ sinh, mũ, bao tay, bao chân em bé, khăn lau bé, túi đo lượng máu mất lúc sinh: 500.000 đồng/gói/người;

- Hỗ trợ tiền ăn cho bà mẹ và người chăm sóc: 50.000 đồng/ngày/người (tối đa 03 ngày đối với sinh thường và 05 ngày đối với sinh mổ);

- Hỗ trợ 01 lần lương thực, dinh dưỡng cho bà mẹ nuôi con bú trong 06 tháng đầu sau sinh: 1,2 triệu đồng.

Theo quy định trên, phụ nữ sinh con tại các tỉnh có đông người dân tộc thiểu số và có tỷ lệ sinh con tại nhà cao hơn mức trung bình của cả nước có thể được hỗ trợ ở mức cao nhất lên đến 2,05 triệu đồng.

phu nu dan toc thieu so sinh con
Phụ nữ dân tộc thiểu số sinh con, mang thai đều được hỗ trợ (Ảnh minh họa)

Ngoài ra, tại Điều 44 Thông tư này còn quy định các mức hỗ trợ khác đối với phụ nữ mang thai và trẻ em dưới 05 tuổi là người dân tộc thiểu số như sau:

- Tổ chức hoạt động tư vấn dinh dưỡng tối thiểu 03 lần/thai kỳ; mức hỗ trợ tối đa 30.000 đồng/lần tư vấn/bà mẹ mang thai;

- Hỗ trợ cán bộ kỹ thuật khám, theo dõi và quản lý bà mẹ mang thai cho tới khi sinh con: Tối đa 50.000 đồng/lần; không quá 04 lần/thai phụ;

- Hỗ trợ dinh dưỡng cho bà mẹ trước, trong và sau sinh: Tối đa 500.000 đồng/bà mẹ/thai kỳ;

- Hỗ trợ phụ nữ mang thai thực hiện tầm soát, chẩn đoán một số bệnh tật bẩm sinh phổ biến theo Danh mục bệnh tật bẩm sinh phổ biến do Bộ Y tế quy định: Mức chi theo giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh tại các cơ sở y tế công lập; đối đa 03 triệu đồng/bà mẹ;

- Hỗ trợ chi phí đi lại cho phụ nữ mang thai đến cơ sở y tế khám thai và thực hiện tầm soát, chẩn đoán một số bệnh tật bẩm sinh phổ biến: tối đa 500.000 đồng/bà mẹ;

- Hỗ trợ cho phụ nữ dân tộc thiểu số có khó khăn đặc thù sinh con đúng chính sách dân số: Tối đa 03 triệu đồng/bà mẹ;

- Đối với trẻ em dưới 05 tuổi:

+ Hỗ trợ trẻ sơ sinh thực hiện tầm soát, chẩn đoán, điều trị các loại bệnh bẩm sinh phổ biến. Mức chi theo giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh tại các cơ sở y tế công lập do cấp có thẩm quyền quy định tại thời điểm thực hiện dịch vụ;

+ Hỗ trợ 01 lần chi phí đi lại cho trẻ đến cơ sở y tế thực hiện tầm soát các loại bệnh tật bẩm sinh: Tối đa 500.000 đồng/trẻ;

+ Hỗ trợ điều trị suy dinh dưỡng cho trẻ bị suy dinh dưỡng cấp tính nặng: Tối đa 03 triệu đồng/trẻ;

+ Hỗ trợ đảm bảo bữa ăn dinh dưỡng cân đối hợp lý cho trẻ tại các cơ sở giáo dục mầm non công lập: Tối đa 550.000 đồng/tháng/trẻ.

Thông tư có hiệu lực từ ngày 01/05/2022, áp dụng đối với các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân quản lý, sử dụng và thụ hưởng nguồn kinh phí sự nghiệp của ngân sách nhà nước thực hiện Chương trình.

Nếu còn thắc mắc, độc giả vui lòng liên hệ 1900.6192 để được hỗ trợ, giải đáp.

Đánh giá bài viết:
Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi 19006192

Tin cùng chuyên mục