Tài liệu chuyên môn “hướng dẫn chẩn đoán và điều trị tiền đái tháo đường” được Bộ Y tế ban hành kèm theo Quyết định số 3087/QĐ-BYT ngày 16/7/2020.
Tài liệu nêu rõ, những đối tượng sau đây được khuyến cáo làm xét nghiệm để tầm soát, phát hiện đái tháo đường hoặc tiền đái tháo đường ở người lớn không có triệu chứng, biểu hiện lâm sàng:
- Người trưởng thành ở bất kỳ tuổi nào thừa cân hoặc béo phì và có kèm theo các yếu tố nguy cơ sau: Có người thân (bố mẹ, anh chị em ruột, con đẻ) bị đái tháo đường; tiền sử bệnh tim mạch do xơ vữa động mạch; tăng huyết áp; phụ nữ bị hội chứng buồng trứng đa nang…
- Phụ nữ đã được chẩn đoán đái tháo đường thai kỳ cần theo dõi lâu dài, xét nghiệm ít nhất 03 năm/lần;
- Tất cả mọi người từ 45 tuổi trở lên;
Nếu các kết quả bình thường, xét nghiệm sẽ được làm lại trong vòng 01 - 03 năm sau hoặc ngắn hơn tùy theo kết quả ban đầu và các yếu tố nguy cơ.
Đồng thời, để điều trị tiền đái tháo đường, Bộ Y tế đưa ra một số phương pháp gồm:
- Thay đổi lối sống thông qua can thiệp dinh dưỡng, tăng hoạt động thể lực;
- Điều trị bằng thuốc;
- Phẫu thuật giảm béo, giảm cân giúp kiểm soát glucose máu với những người bị béo phì nặng. Đồng thời kết hợp điều trị nội khoa chặt chẽ sau phẫu thuật.
Đặc biệt: Với những người có nguy cơ cao mắc tiền đái tháo đường nhưng kết quả xét nghiệm glocose máu bình thường thì hàng năm phải xét nghiệm lại glucose.
Quyết định có hiệu lực kể từ ngày 16/7/2020.