Thành viên của các đoàn thể nhân dân, tổ chức xã hội sinh con thứ ba trở lên thì bị xử lý theo quy định của quy chế, quy định của đoàn thể, tổ chức. Người dân sinh con thứ ba trở lên thì bị xử lý theo quy định của hương ước, quy ước của làng, bản, thôn, xóm, cụm dân cư nơi cư trú.
Đó là một trong những nội dung được nêu rõ tại Nghị định 114/2006/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về dân số và trẻ em, đã được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành.
Theo Nghị định, áp dụng mức phạt tiền từ 3 - 7 triệu đồng đối với hành vi siêu âm, xét nghiệm máu, gen, nước ối, tế bào hoặc các biện pháp khác không được pháp luật cho phép để xác định giới tính thai nhi; cung cấp hóa chất, thuốc hoặc các biện pháp khác để loại bỏ thai nhi mà biết rõ người đang mang thai muốn loại bỏ thai nhi vì lý do lựa chọn giới tính; nghiên cứu hoặc áp dụng phương pháp nhân tạo để tạo nên giới tính thai nhi theo mong muốn; tàng trữ, lưu hành các loại tài liệu, phương tiện chứa đựng nội dung về phương pháp tạo giới tính thai nhi.
Phạt tiền từ 1 - 3 triệu đồng đối với hành vi thu tiền khám chữa bệnh cho trẻ em dưới 6 tuổi tại các cơ sở y tế công lập trái với quy định của pháp luật; cố tình không sử dụng trang thiết bị, phương tiện khám chữa bệnh cho trẻ em trong khi có điều kiện và được phép sử dụng.
Mức phạt tiền từ 500 ngàn đồng đến 1 triệu đồng được áp dụng đối với hành vi lăng nhục, xúc phạm nhân phẩm, danh dự, gây tổn thương về tinh thần của trẻ em; đối xử tồi tệ, bắt nhịn ăn, nhịn uống, bắt chịu rét, mặc rách, không cho hoặc hạn chế vệ sinh cá nhân, giam hãm ở nơi có môi trường độc hại, nguy hiểm hoặc bắt làm những việc trái với đạo đức xã hội; bắt trẻ em đi xin ăn; cho thuê, cho mượn trẻ em hoặc sử dụng trẻ em để xin ăn. Đồng thời, phạt tiền từ 2 - 5 triệu đồng đối với hành vi đánh đập hoặc có hành vi bạo lực xâm phạm thân thể trẻ em làm cho trẻ em đau đớn về thể xác và tinh thần.
Mức phạt tiền cao nhất từ 10 - 30 triệu đồng được áp dụng đối với hành vi tổ chức cho trẻ em xâm phạm tính mạng, thân thể, nhân phẩm, danh dự của người khác.
Nghị định nêu rõ, cá nhân, tổ chức bị xử phạt hành vi vi phạm hành chính phải thi hành quyết định xử phạt trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định xử phạt, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Thời hạn này được quy định rõ trong quyết định xử phạt. Quá thời hạn trên, nếu cá nhân, tổ chức bị xử phạt không tự giác chấp hành thì người có thẩm quyền xử phạt hành vi vi phạm hành chính có quyền áp dụng các biện pháp cưỡng chế thi hành.
. (Luật Việt Nam)