Theo Nghị định này, mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực đo lường đối với cá nhân là 100 triệu đồng, đối với tổ chức là 200 triệu đồng; mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực tiêu chuẩn, chất lượng sản phẩm, hàng hóa đối với cá nhân là 150 triệu đồng và đối với tổ chức là 300 triệu đồng (ngoại trừ một số trường hợp, mức tiền phạt sẽ căn cứ vào số tiền thu lợi bất hợp pháp từ hành vi vi phạm).
Trong đó, về các vi phạm quy định về sử dụng mã số mã vạch hàng hóa, áp dụng mức phạt từ 6 - 10 triệu đồng đối với hành vi sử dụng mã vạch có đầu mã quốc gia Việt Nam chưa được cấp hoặc sử dụng trái phép mã số mã vạch của doanh nghiệp khác đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng mã số mã vạch; từ 10 - 20 triệu đồng đối với hành vi sử dụng mã số mã vạch nước ngoài để in trên sản phẩm, hàng hóa sản xuất tại Việt Nam mà chưa được cho phép...
Về vi phạm chất lượng hàng hóa lưu thông trên thị trường, áp dụng mức phạt từ 2 - 80 triệu đồng đối với hành vi gian lận về thời hạn sử dụng của hàng hóa trên nhãn hàng hóa có giá trị từ 5 - 100 triệu đồng; phạt tiền từ 1 - 2 lần tổng giá trị sản phẩm, hàng hóa vi phạm tại thời điểm vi phạm đối với hành vi bán sản phẩm, hàng hóa có chất lượng không phù hợp với tiêu chuẩn công bố áp dụng; từ 2 - 3 lần giá trị tổng sản phẩm, hàng hóa đối với hành vi thay thế, đánh tráo, thêm, bớt thành phần hoặc chất phụ gia, pha trộn tạp chất làm giảm chất lượng sản phẩm, hàng hóa so với tiểu chuẩn...
Ngoài hình thức phạt tiền, các đối tượng vi phạm có thể bị áp dụng dụng 01 hoặc các hình thức xử phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả như: Tước quyền sử dụng có thời hạn Giấy chứng nhận hợp chuẩn, Giấy chứng nhận hợp quy...; đình chỉ hoạt động có thời hạn; tịch thu tang vật, phương tiên vi phạm; buộc tái chế, tái xuất, tiêu hủy hoặc thu hồi sản phẩm, hàng hóa vi phạm...
Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/09/2013 và thay thế Nghị định số 54/2009/NĐ-CP ngày 05/06/2009.