Quy định trên chỉ rõ: Để đảm bảo hoạt động của chợ an toàn - văn minh - hiệu quả, cán bộ nhân viên quản lý chợ, thương nhân và người đến mua, bán, giao dịch, tham quan thi hành công vụ tại chợ phải nghiêm chỉnh thực hiện các quy định về thời gian hoạt động của chợ. Thương nhân kinh doanh tại chợ được bảo vệ quyền lợi hợp pháp trong lĩnh vực kinh doanh tại chợ, được tham gia các tổ chức đoàn thể xã hội do đơn vị quản lý khai thác chợ tổ chức... Với những thương nhân kinh doanh thường xuyên, cố định tại chợ phải ký hợp đồng sử dụng điểm kinh doanh hoặc hợp đồng thuê điểm kinh doanh tại chợ với đơn vị quản lý - khai thác chợ. Không được tự ý sang nhượng, thay đổi chủ kinh doanh khi chưa làm thủ tục sang nhượng theo quy định. Thương nhân kinh doanh thường xuyên tại chợ phải có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh do cơ quan đăng ký kinh doanh có thẩm quyền cấp và kinh doanh theo đúng nội dung đã ghi trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Đối với mặt hàng, ngành nghề kinh doanh có điều kiện phải đảm bảo các điều kiện quy định hoặc phải có giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh. Người kinh doanh phải nộp đầy đủ, đúng hạn các loại tiền thuê, sử dụng điểm kinh doanh, các loại thuế, phí chợ. Khi tạm nghỉ kinh doanh, hộ kinh doanh phải thông báo cho đơn vị quản lý - khai thác chợ và niêm yết thời gian tạm nghỉ tại điểm kinh doanh. Đối với người kinh doanh không thường xuyên vào bán hàng trong chợ phải nộp phí chợ (mua vé vào chợ) theo số lượng và loại hàng mang vào chợ và tuân thủ sự sắp xếp của đơn vị quản lý - khai thác chợ, nghiêm chỉnh chấp hành nội quy chợ.
Quy định về hàng hoá, dịch vụ kinh doanh tại chợ cụ thể như sau: Hàng hoá, dịch vụ kinh doanh tại chợ là hàng hoá, dịch vụ không thuộc danh mục pháp luật cấm kinh doanh. Người kinh doanh không kinh doanh hàng nhái, hàng giả, hàng lậu, hàng gian, hàng rõ nguồn gốc, hàng quá hạn sử dụng, hàng không đảm bảo chất lượng, hàng gây ô nhiễm môi trường, hàng không đúng quy định về tem, nhãn mác. Thương nhân, người kinh doanh không thường xuyên tại chợ phải chịu trách nhiệm về số lượng, chất lượng, nguồn gốc hàng hoá, dịch vụ bán ra. Trường hợp kinh doanh hàng thứ phẩm, kém chất lượng, hàng đã qua sử dụng phải được phép của cơ quan chức năng và phải ghi rõ tình trạng chất lượng trên từng mặt hàng kinh doanh. Hàng hoá kinh doanh tại chợ cần phải được sắp xếp gọn gàng, ngăn nắp theo ngành hàng, nhóm hàng theo tính chất và yêu cầu phòng chống hoả hoạn, thiên tai... bảo đảm mỹ quan và văn minh thương mại theo hướng dẫn của đơn vị quản lý và khai thác chợ. Quyết định còn quy định về người đến giao dịch, mua bán, tham quan, thi hành công vụ tại chợ, quy định đối với cán bộ, nhân viên quản lý chợ, quy định về đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy, phòng chống thiên tai, quy định về đảm bảo an ninh, trật tự tại chợ...
Dự kiến bắt đầu từ 9/3, Sở Thương mại Hà Nội sẽ họp triển khai quyết định này của UBND thành phố Hà Nội.
(Theo Kinh Tế và Đô Thị)