Những quy định mới của Luật Hải quan

Những quy định mới của Luật Hải quanTrước yêu cầu của quá trình hội nhập kinh tế với khu vực và thế giới, Luật Hải quan đã được sửa đổi và bổ sung theo hướng vừa tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu, vừa tăng cường trách nhiệm của hải quan trong công tác phòng chống buôn lậu.

 

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hải quan được Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá XI, kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 14-6-2005 và Chủ tịch nước Trần Đức Lương ký Lệnh công bố ngày 24/6/2005, có hiệu lực thi hành từ 1/1/2006. Luật này sửa đổi, bổ sung Luật Hải quan được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua ngày 29/6/2001, có hiệu lực từ 1/1/2002.

Luật đã bổ sung một điều mới về hoạt động hợp tác quốc tế của hải quan và sửa đổi, bổ sung 23 điều của Luật Hải quan hiện hành. Căn cứ vào nội dung sửa đổi, bổ sung có thể phân định thành ba nhóm như sau:

 

Nhóm thứ nhất là các quy định liên quan đến hiện đại hoá hải quan và tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu (các Điều 8, 16, 17, 18, 20, 22, 23, 25, 27).

 

Về hiện đại hoá quản lý hải quan, Điều 8 bổ sung cơ sở pháp lý để tiến hành công tác hiện đại hoá hải quan, trọng tâm là áp dụng thủ tục hải quan điện tử.

 

Đồng thời với việc sửa đổi, bổ sung Điều 8 thì những quy định về hồ sơ hải quan, địa điểm làm thủ tục hải quan, quyền, nghĩa vụ của người khai hải quan cũng như của công chức hải quan... đã được quy định trong Luật hiện hành cũng phải sửa đổi, bổ sung để phù hợp với việc áp dụng thủ tục hải quan điện tử. Theo đó, các điều sửa đổi, bổ sung trong nhóm này gồm có: Điều 16: Thủ tục hải quan; Điều 17: Địa điểm làm thủ tục hải quan; Điều 18: Thời hạn khai và nộp tờ khai hải quan; Điều 20: Khai hải quan; Điều 22: Hồ sơ hải quan; Điều 23: Quyền và nghĩa vụ của người khai hải quan; Điều 25: Thông quan hàng hoá, phương tiện vận tải; Điều 27: Nhiệm vụ và quyền hạn của công chức hải quan.

 

Nhóm thứ hai là các quy định về phương thức quản lý hải quan (nhóm này gồm các điều 15, 28, 29, 30, 32). Điều 15 quy định nguyên tắc tiến hành thủ tục hải quan, chế độ kiểm tra giám sát hải quan. Đây là một trong những chức năng quan trọng nhất của hải quan. Theo đó, Luật quy định kiểm tra hải quan được tiến hành có trọng điểm dựa trên việc phân tích và xử lý thông tin (nguyên tắc này được hầu hết hải quan các nước tiên tiến áp dụng).

 

Đó là nội dung mới của kiểm tra hải quan và có ý nghĩa đặc biệt quan trọng: Nguyên tắc này làm cơ sở cho việc quy định kiểm tra hồ sơ, kiểm tra thực tế hàng hoá và kiểm tra sau thông quan tại các Điều 28, 30, 32 của Luật. Với nguyên tắc này, mục tiêu đặt ra là: việc kiểm tra hải quan được tiến hành có trọng điểm dựa trên việc phân tích và xử lý thông tin để công chức hải quan có thẩm quyền quyết định mức độ kiểm tra, vừa tạo thuận lợi cho thương mại vừa bảo đảm quản lý nhà nước về hải quan trong tình hình mới.

 

Điều 28, quy định về kiểm tra, đăng ký hồ sơ hải quan, bổ sung quy định cho phép những đối tượng hoạt động xuất nhập khẩu được đăng ký hồ sơ hải quan sau khi đã kiểm tra bảo đảm đầy đủ những nội dung trên tờ khai. Việc kiểm tra, đăng ký hồ sơ hải quan được chia ra làm hai loại: Kiểm tra, đăng ký đối với Hồ sơ hải quan giấy; Kiểm tra, đăng ký Hồ sơ hải quan điện tử.

 

Điều 29 quy định về căn cứ và thẩm quyền quyết định hình thức kiểm tra thực tế hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu để thông quan đã sửa đổi, bổ sung một nội dung về cấp có thẩm quyền ra quyết định kiểm tra thực tế và thay đổi hình thức kiểm tra thực tế hàng hoá, thay vì cấp Chi cục trưởng theo quy định của Luật hiện hành nay sửa lại là: Thủ trưởng cơ quan hải quan nơi tiếp nhận và xử lý hồ sơ hải quan quyết định hình thức kiểm tra thực tế hàng hoá và thay đổi hình thức kiểm tra.

 

Điều 30 quy định về các hình thức kiểm tra thực tế hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu để thông quan, đã được sửa một cách căn bản, thay đổi hẳn phương pháp kiểm tra theo Luật hiện hành, cụ thể là: Khoản 1 và 2: quy định các trường hợp đương nhiên thuộc diện miễn kiểm tra. Khoản 3: Quy định các trường hợp đương nhiên phải kiểm tra, nhưng mức độ kiểm tra là bao nhiêu sẽ được hướng dẫn trong văn bản dưới luật. Khoản 4: Quy định những trường hợp việc kiểm tra thực tế được thực hiện dựa trên cơ sở kết quả phân tích thông tin để đánh giá mức độ rủi ro. Mức độ kiểm tra cụ thể sẽ được quy định trong văn bản dưới luật. 

 

Điều 32 quy định về kiểm tra sau thông quan: Theo đó, mở rộng phạm vi kiểm tra sau thông quan đối với các trường hợp không chỉ có dấu hiệu vi phạm mà kiểm tra sau thông quan còn được thực hiện dựa trên cơ sở phân tích thông tin để cơ quan hải quan quyết định việc kiểm tra. Bổ sung trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức có liên quan trong việc cung cấp các chứng từ, tài liệu để cơ quan hải quan thực hiện việc kiểm tra sau thông quan. Sửa thời điểm tính thời hạn kiểm tra sau thông quan cho phù hợp với Điều 23 của luật.

 

Nhóm thứ ba là sửa đổi, bổ sung các quy định về nhũng vấn đề khác của Luật Hải quan hiện hành (gồm có Điều 2, Điều 5a, Điều 11, Điều 13, Điều 14, Điều 57, Điều 69, Điều 71, Điều 74). Trước hết là bổ sung phạm vi điều chỉnh của Luật (Điều 2) đã bổ sung khái niệm "lãnh thổ hải quan" vào điều này và giải thích thuật ngữ này tại Điều 4. Bổ sung Điều 5a sau Điều 5 về hợp tác quốc tế trong lĩnh vực hải quan. Bổ sung nhiệm vụ của hải quan (Điều 11), đó là nhiệm vụ Thống kê hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu nhằm khẳng định giá trị pháp lý và tầm quan trọng của số liệu thống kê hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu của hải quan.

 

Hệ thống tổ chức hải quan (Điều 13) và cơ quan quản lý Nhà nước về hải quan (Điều 74) cũng có một số sửa đổi, bổ sung cho phù hợp thực tế. Đáng chú ý là Điều 14, quy định về công chức Hải quan đã bổ sung khoản 3 về những việc cấm công chức hải quan không được thực hiện.

 

Về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, Điều 57 bổ sung quy định chủ sở hữu được đăng ký dài hạn với cơ quan hải quan để được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho phù hợp với Hiệp định TRIPS. Về trách nhiệm của cơ quan hải quan trong việc tổ chức thu thuế và các khoản thu khác Điều 69 bổ sung quy định nhiệm vụ của cơ quan hải quan trong công tác tổ chức thu thuế và các khoản thu khác cho phù hợp với Luật thuế xuất khẩu, nhập khẩu sửa đổi.

 

Luật còn sửa đổi, bổ sung Điều 17, theo đó sửa tên điều này là "Trị giá hải quan" và quy định rõ trị giá hải quan được sử dụng làm cơ sở cho việc tính thuế và thống kê hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu và để tương thích với Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu thì Luật cũng quy định trị giá hải quan được xác định theo quy định của Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu.

 

(Theo Nhân Dân)

Đánh giá bài viết:
Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi 19006192

Tin cùng chuyên mục

Hướng dẫn điều kiện thành lập và đăng ký hoạt động của tổ chức KHCN

Hướng dẫn điều kiện thành lập và đăng ký hoạt động của tổ chức KHCN

Hướng dẫn điều kiện thành lập và đăng ký hoạt động của tổ chức KHCN

Bộ Khoa học và Công nghệ (KHCN) vừa ban hành Thông tư số 10/2005/TT-BKHCN về "Hướng dẫn điều kiện thành lập và đăng ký hoạt động của tổ chức KHCN". Phạm vi áp dụng là các tổ chức nghiên cứu khoa học, nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, bao gồm cả tổ chức NCPT có vốn của nước ngoài thành lập vì mục đích phi lợi nhuận, tổ chức dịch vụ KHCN gồm cả tổ chức dịch vụ KHCN có vốn của nước ngoài.

Ban hành quy chế mới về đấu giá sử dụng đất

Ban hành quy chế mới về đấu giá sử dụng đất

Ban hành quy chế mới về đấu giá sử dụng đất

Các tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc cho thuê đất theo quy định của Luật Đất đai có nhu cầu sử dụng theo quy hoạch đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt được tham gia đấu giá quyền sử dụng đất. Đây là nội dung trong Quy chế đấu giá quyền sử dụng đất để giao đất có thu tiền sử dụng hoặc cho thuê đất đã được Thủ tướng Chính phủ vừa ký quyết định ban hành.