Theo kế hoạch và trên lý thuyết, từ
Dự thảo Nghị định nêu rõ: Đối với dự án phát triển nhà ở thương mại, chủ đầu tư phải có tối thiểu 15% tổng vốn đầu tư. Theo lập luận của Bộ Xây dựng, tỷ lệ này phù hợp. Bởi vì, dự án phát triển nhà ở thương mại thường có quy mô nhỏ hơn dự án khu đô thị, thời gian thực hiện ngắn hơn và khả năng huy động vốn ứng trước của khách hàng cũng thuận lợi hơn.
Trong khi đó, một số nhà đầu tư, doanh nghiệp, người dân lại cho rằng chủ đầu tư chỉ cần 10% tổng vốn đầu tư thuộc sở hữu của mình là có thể thực hiện các dự án phát triển nhà ở thương mại. Ngược lại, một số khác lại khẳng định, tính khả thi của dự án chỉ có thể có khi tỷ lệ này là 20%.
Cũng liên quan tới phát triển nhà ở thương mại, dự thảo Nghị định quy định rõ về bảo hành nhà ở. Theo đó, tổ chức, cá nhân thi công xây dựng nhà ở có trách nhiệm bảo hành nhà ở. Đồng thời, tổ chức, cá nhân cung ứng thiết bị nhà ở cũng phải có trách nhiệm bảo hành thiết bị do mình cung ứng.
Thời gian bảo hành nhà ở được tính từ ngày chủ đầu tư ký biên bản nghiệm thu nhà ở để đưa vào sử dụng và không ít hơn 60 tháng (5 năm) đối với nhà chung cư từ 9 tầng trở lên; không ít hơn 36 tháng (3 năm) đối với nhà chung cư từ 4-8 tầng và không ít hơn 24 tháng (2 năm) đối với các loại nhà ở còn lại.
Nhà ở xã hội và đối tượng được thuê, mua
Về vấn đề xây dựng quỹ nhà ở xã hội, dự thảo Nghị định có quy định: UBND cấp tỉnh được yêu cầu chủ đầu tư các dự án phát triển nhà ở thương mại và khu đô thị mới (có quy mô từ 10 ha trở lên) dành phần diện tích không vượt quá 20% tổng diện tích đất dự án để phát triển nhà ở xã hội. Một số nhà đầu tư phản đối quy định này vì cho rằng tỷ lệ 20% là quá cao... Tuy nhiên, Bộ Xây dựng vẫn giữ nguyên quan điểm của mình. Theo lập luận của Bộ Xây dựng, tạo quỹ đất phát triển nhà ở xã hội là cần thiết và tỷ lệ 20% là đúng.
Theo dự thảo, đối tượng được thuê, mua nhà ở xã hội gồm: Cán bộ, công chức nhà nước, sỹ quan, quân nhân chuyên nghiệp thuộc lực lượng vũ trang nhân dân hưởng lương từ ngân sách nhà nước; người lao động làm việc trong cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp hoạt động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất... Điều kiện tiên quyết để người dân được thuê nhà là chưa có sở hữu nhà ở và chưa được thuê hoặc thuê mua nhà ở thuộc sở hữu nhà nước.
Hoặc là những đối tượng có nhà ở nhưng diện tích bình quân dưới 5 m2/người hoặc nhà đang sử dụng chỉ là nhà tạm, hư hỏng, dột nát. Ngoài ra, các đối tượng này phải có mức thu nhập hằng tháng của cả gia đình không vượt quá 4-5 lần tổng số tiền thuê nhà phải nộp (tương ứng với tùy loại căn hộ được thuê). Giá thuê nhà sẽ do UBND cấp tỉnh quy định.
Quy định cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở
Về vấn đề phức tạp này, dự thảo Nghị định đã dành tới 10 điều để quy định chi tiết về cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở (GCN). Theo đó, hộ gia đình, cá nhân muốn được cấp GCN cần nộp hồ sơ tại phòng có chức năng quản lý nhà cấp huyện.
Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan chức năng có trách nhiệm thẩm định và trình cơ quan có thẩm quyền ký GCN và giao cho người có nhu cầu.
Lệ phí cấp GCN lần đầu không quá 100.000 đ/giấy với cá nhân và không quá 500.000 đ/giấy đối với tổ chức. Trường hợp cấp đổi, cấp lại hoặc xác nhận thay đổi trên trên GCN đã có chỉ mất không quá 50.000đ/giấy.
Cũng theo dự thảo, 6 trường hợp không được cấp GCN QSHNƠ gồm: nhà nằm trong khu vực cấm xây dựng hoặc lấn chiếm mốc giới bảo vệ các công trình hạ tầng kỹ thuật, di tích lịch sử, văn hóa đã xếp hạng; nhà đã có quyết định hoặc thông báo giải tỏa, phá dỡ hoặc đã có quyết định thu hồi đất; nhà thuộc sở hữu nhà nước;
Nhà mà Chính phủ Việt Nam và chính phủ các nước, các tổ chức quốc tế có cam kết khác, nhà ở có tranh chấp, khiếu nại chưa được giải quyết; các trường hợp không thuộc diện sở hữu nhà ở hoặc không đủ điều kiện để cấp GCN theo quy định của pháp luật về nhà ở.
Với những quy định cụ thể và sát với thực tế, Nghị định này khi được ban hành sẽ góp phần đem lại nhiều lợi ích cho người dân và nền kinh tế.
(Theo HNM)