Theo đó, kỳ thi THPT quốc gia sẽ được tổ chức vào tuần thứ 2 của tháng 6 hằng năm tại các tỉnh. Địa điểm thi được lựa chọn là những nơi có điều kiện tổ chức thi tốt, trong đó sử dụng phần lớn các cơ sở vật chất của các trường ĐH-CĐ-TC, các trường THPT đạt yêu cầu làm địa điểm thi.
Về số môn thí sinh phải thi để được công nhận tốt nghiệp THPT, ngoài các điều kiện về học lực và hạnh kiểm theo quy chế quy định: 6 môn, bao gồm 3 môn công cụ chung bắt buộc đối với tất cả thí sinh (Ngữ văn, Toán và Ngoại ngữ); 1 môn do Bộ quy định hằng năm, 2 môn do thí sinh tự quyết định trong số các môn còn lại của kỳ thi, có thể từ năm 2010 hoặc năm 2011, cho phép thí sinh tự quyết định 3 môn trong số các môn còn lại của kỳ thi.
Đối với các ngành đòi hỏi phải thi những môn đặc thù, ngoài các môn văn hóa trong kỳ thi THPT quốc gia. Bộ GD-ĐT thống nhất với các trường để thống nhất các môn thi đặc thù. Các trường xây dựng văn bản về tuyển sinh đối với các ngành đòi hỏi phải thi những môn đặc thù, sau khi được Bộ công nhận, trường sẽ công bố quy định cụ thể về việc tổ chức thi các môn này theo từng ngành đào tạo.
Cũng trong Dự thảo mới nhất này, Bộ đã quy định rõ hơn về hình thức và cơ cấu đề thi. Cụ thể: Hình thức đề thi được giữ như các năm 2007, 2008 (thi trắc nghiệm các môn Vật lí, Hóa học, Sinh học, Ngoại ngữ; các môn khác thi tự luận). Sau năm 2011 sẽ tổng kết và có lộ trình phù hợp về hình thức đề thi cho từng môn thi.
Để đảm bảo cho kết quả kỳ thi THPT quốc gia vừa đánh giá được trình độ tốt nghiệp THPT, vừa đánh giá được khả năng vào học trường ĐH-CĐ-TC, trong đề thi có khoảng 60% số điểm ứng với nội dung cơ bản trong chương trình THPT chuẩn, đảm bảo cho những thí sinh có học lực trung bình, nắm được kiến thức cơ bản có thể tốt nghiệp.
Phần còn lại trong đề thi ứng với khoảng 40% số điểm có nội dung trong chương trình THPT chuẩn và chương trình THPT nâng cao, đòi hỏi thí sinh làm chủ và vận dụng kiến thức cơ bản ở mức cao hơn, đáp ứng yêu cầu phân loại trình độ thí sinh để tuyển vào ĐH-CĐ-TC. Đề thi không chia cơ học các câu hỏi thành 2 phần riêng biệt.
Đề thi do Bộ GD-ĐT biên soạn. Việc in sao đề thi đảm bảo 3 vòng cách ly độc lập như tuyển sinh ĐH-CĐ những năm vừa qua và in sao đề thi tốt nghiệp THPT năm 2007 và 2008; có sự phối hợp tham gia của lực lượng cán bộ, giảng viên ĐH-CĐ và các Sở GD-ĐT dưới sự chỉ đạo của Bộ. In sao và niêm phong đề thi cho từng phòng thi.
Dự thảo lần thứ 20 cũng quy định rõ hơn về công tác coi thi, chấm thi, phúc khảo. Cụ thể, việc tổ chức coi thi về cơ bản được thực hiện như tuyển sinh ĐH-CĐ những năm qua và thi tốt nghiệp THPT năm 2007, 2008. Lực lượng cán bộ, giáo viên phổ thông của tỉnh và cán bộ, giảng viên của các trường ĐH-CĐ-TC đượ huy động từ các tỉnh khác đến để làm nhiệm vụ này.
Công tác chấm thi và phúc khảo tại các tỉnh, thực hiện sự giám sát trực tiếp và liên tục (cả tự luận và trắc nghiệm). Thực hiện việc đổi chéo Hội đồng chấm thi giữa các địa phương và có sự tham gia của cán bộ, giảng viên của các trường ĐH-CĐ-TC
Chấm thi trắc nghiệm (kể cả phúc khảo) bằng máy và công cụ tin học, theo đúng cách của phương pháp trắc nghiệm. Dữ liệu được quét, niêm phong và gửi ngay về Bộ trước khi các cơ sở tổ chức chấm.
Thang điểm bài thi là 10 điểm (6 điểm + 4 điểm ứng với 60% + 40%)
Tiêu chí xếp loại tốt nghiệp (sơ bộ) như sau: Đạt tốt nghiệp: 18 điểm trở lên và không có điểm 0 (18 điểm là 50% của 36 điểm đối với 6 môn thi – phần để công nhận tốt nghiệp); Loại trung bình: 18 đến 32 điểm; Loại khá: Lớn hơn 32 điểm đến 46 điểm; Loại giỏi: Trên 46 điểm.
. (Theo HNM)