Nhiều chính sách mới có hiệu lực từ tháng 2/2016

(LuatVietnam) Hàng loạt chính sách mới trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội như: Người lao động thời vụ được làm thêm tối đa 300 giờ mỗi năm; Bảo hiểm cho người lao động trên công trường tối thiểu 100 triệu/người/vụ; Thay đổi điều kiện cấp phép nhập khẩu vàng nguyên liệu; Cá nhân chỉ được đầu tư gián tiếp ra nước ngoài dưới hình thức thưởng cổ phiếu; Tàu chậm quá 5 phút, hành khách được yêu cầu trả lại tiền vé... sẽ chính thức có hiệu lực từ tháng 02/2016.



Chứng thư số có thời hạn không quá 5 năm

Đây là nội dung nổi bật tại Thông tư 28/2015/TT-NHNN, có hiệu lực từ ngày 01/02/2016.

Cụ thể, chứng thư số được cấp trong 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ; có thời hạn hiệu lực theo đề nghị của tổ chức quản lý thuê bao nhưng không quá 05 năm kể từ ngày có hiệu lực.

Về gia hạn chứng thư số, Thông tư quy định, chứng thư số chỉ được gia hạn khi còn hiệu lực ít nhất 10 ngày. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được Giấy đề nghị gia hạn chứng thư số hợp lệ, tổ chức cung cấp dịch vụ chữ ký số thực hiện gia hạn chứng thư số cho thuê bao và thông báo kết quả qua mạng hoặc qua đường bưu điện; nếu từ chối phải nêu rõ lý do.

Tàu chậm quá 5 phút, hành khách được yêu cầu trả lại tiền vé

Hành khách đi tàu đường sắt đô thị có thể từ chối đi tàu và yêu cầu doanh nghiệp trả lại tiền vé nếu tàu vận hành chậm quá 05 phút so với biểu đồ chạy tàu mà không thông báo với hành khách; hoặc vi phạm quy định về an toàn vận hành tàu có thể gây nguy hại đến tính mạng, sức khỏe, làm hư hỏng, mất mát hành lý...

Nội dung này quy định tại Thông tư 77/2015/TT-BGTVT về việc vận tải hành khách, hành lý trên đường sắt đô thị, có hiệu lực từ ngày 01/02/2016.

Bên cạnh đó, Thông tư cũng cho phép doanh nghiệp kinh doanh đường sắt đô thị được từ chối vận chuyển đối với hành khách mang theo hành lý vượt quá số lượng, trọng lượng, kích thước và các hành lý không được theo người vào ga, lên tàu; trẻ em dưới 06 tuổi không có người lớn đi kèm hoặc có chiều cao dưới 1,15m (nếu không xác định được tuổi); người say rượu, người mất trí, người có bệnh truyền nhiễm; hành khách có hành vi làm mất trật tự công cộng, cản trở công việc của doanh nghiệp, đe dọa tính mạng, sức khỏe, tài sản của hành khách khác…

Trường đại học phải dừng đào tạo trình độ cao đẳng trước năm 2020

Ngày 16/12/2015, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư 32/2015/TT-BGDĐT quy định các cơ sở giáo dục đại học không được đào tạo cao đẳng, trung cấp trừ các cơ sở thuộc khối ngành nghệ thuật và các cơ sở trực thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương không có cơ sở đào tạo cao đẳng, trung cấp khối ngành khoa học giáo dục và đào tạo giáo viên.

Theo đó, các cơ sở giáo dục đào tạo đại học đang đào tạo cao đẳng mỗi năm phải giảm chỉ tiêu tuyển sinh đào tạo cao đẳng ít nhất 30% so với chỉ tiêu năm 2015 để dừng tuyển sinh đào tạo trình độ này trước năm 2020; tương tự, các cơ sở giáo dục đại học đang đào tạo trình độ trung cấp phải dừng tuyển sinh đào tạo trình độ này trước năm 2017.

Đặc biệt, trường đại học có hệ tại chức chỉ được tuyển sinh tối đa 30% tổng chỉ tiêu sinh viên chính quy. Chỉ tiêu tuyển sinh theo hình thức học từ xa được xem xét theo đề án của trường; riêng với khối ngành khoa học giáo dục và đào tạo giáo viên, không tổ chức đào tạo từ xa.

Thông tư này có hiệu lực từ ngày 01/02/2016.

NLĐ bị thu hồi đất được vay vốn ưu đãi đi xuất khẩu lao động

Theo Quyết định 63/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, có hiệu lực từ ngày 01/02/2016, người lao động bị thu hồi đất sẽ được vay vốn ưu đãi đi xuất khẩu lao động từ Ngân hàng Chính sách xã hội với thời hạn vay bằng thời hạn đi lao động.

Bên cạnh đó, người lao động thuộc hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp bị thu hồi đất nông nghiệp, được bồi thường bằng tiền đối với diện tích đất nông nghiệp thu hồi và người bị thu hồi đất ở kết hợp kinh doanh, dịch vụ mà phải di chuyển chỗ ở, trong độ tuổi lao động, có nhu cầu đào tạo nghề, sẽ được hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp, cao đẳng; được vay vốn theo quy định của chính sách tín dụng với học sinh, sinh viên.

Ngoài ra, người lao động bị thu hồi đất còn được hỗ trợ tư vấn, định hướng nghề nghiệp, giới thiệu việc làm miễn phí tại các trung tâm dịch vụ việc làm; được vay vốn ưu đãi từ Quỹ quốc gia về việc làm… Trong đó, thời gian hỗ trợ là 05 năm kể từ ngày có quyết định thu hồi đất.

Không đổi tiền hưởng chênh lệch giá trong khu di tích, lễ hội

Có hiệu lực từ ngày 05/02/2016, Thông tư 15/2015/TT-BVHTTDL yêu cầu tổ chức, cá nhân không đổi tiền hưởng chênh lệch giá trong khu vực di tích, lễ hội; không ném, thả tiền xuống giếng, ao hồ hay cài lên tay tượng, Phật.

Việc tổ chức hoạt động dịch vụ trong khu vực lễ hội phải đảm bảo niêm yết giá, bán đúng giá, không chèo kéo khách, không ép giá, không bày bán đồ chơi có tính bạo lực hoặc bán vé, thu tiền lễ hội.

Thông tư cũng khuyến khích tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ dân gian truyền thống; không tổ chức các lễ hội có nội dung kích động bạo lực, cúng khấn trừ tà ma, lên đồng xem bói, xin xăm, xóc thẻ và các hình thức mê tín dị đoan khác…

Thời hạn hoạt động tổ chức tín dụng phi ngân hàng tối đa 50 năm

Theo Thông tư 30/2015/TT-NHNN quy định việc cấp Giấy phép, tổ chức và hoạt động của tổ chức tín dụng phi ngân hàng, thời hạn hoạt động của tổ chức tín dụng phi ngân hàng tối đa là 50 năm.

Doanh nghiệp Việt Nam thành lập tổ chức tín dụng phi ngân hàng cổ phần phải có vốn chủ sở hữu tối thiểu 500 tỷ đồng, tổng tài sản tối thiểu 1.000 tỷ đồng trong 03 năm tài chính liền kề; có tối thiểu 02 cổ đông sáng lập là tổ chức, mang quốc tịch Việt Nam và kinh doanh có lãi trong 03 năm tài chính liền kề…

Tương tự, ngân hàng thương mại Việt Nam thành lập tổ chức tín dụng phi ngân hàng cổ phần, ngoài việc phải có lãi trong 03 năm tài chính liền kề, có tối thiểu 02 cổ đông sáng lập là tổ chức, còn phải có tổng tài sản tối thiểu là 100.000 tỷ đồng, tuân thủ đầy đủ các quy định về quản trị rủi ro và trích lập dự phòng.

Thông tư này có hiệu lực từ ngày 08/02/2016.

Từ 10/2, thuyền viên tàu biển quốc tế được mua thêm hàng miễn thuế để sinh hoạt cá nhân

Từ 10/02/2016, ngoài một số loại rượu, đồ uống có cồn, bia, thuốc lá, xì gà theo quy định, thuyền viên làm việc trên tàu biển quốc tế được mua thêm hàng hóa khác tại cửa hàng miễn thuế phục vụ sinh hoạt cá nhân.

Đây là nội dung đáng chú ý tại Thông tư 207/2015/TT-BTC, có hiệu lực từ ngày 10/02/2016.

Một nội dung đáng chú ý khác là quy định về kinh doanh bán hàng miễn thuế cho khách hàng trên tàu bay đang thực hiện chuyến bay quốc tế đến Việt Nam. Cụ thể, hàng hóa miễn thuế bán không hết trên các chuyến bay quốc tế phải được niêm phong trước khi đưa ra khỏi máy bay. Trước khi máy bay hạ cánh, tiếp viên hàng không phải tổng hợp thông tin khách hàng mua hàng miễn thuế trên máy bay.

Người lao động thời vụ được làm thêm tối đa 300 giờ mỗi năm

Tổng số giờ làm thêm trong một năm đối với mỗi người lao động thời vụ không quá 300 giờ là nội dung quy định tại Thông tư 54/2015/TT-BLĐTBXH, có hiệu lực từ ngày 10/02/2016.

Cũng theo Thông tư này, tổng số giờ làm việc tiêu chuẩn và số giờ làm thêm trong 01 ngày của người lao động thời vụ tối đa là 12 giờ; không quá 09 giờ với các công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.

Hàng tuần, người lao động được nghỉ ít nhất 01 ngày (24 giờ liên tục); trong những tháng thời vụ hoặc phải gấp rút gia công hàng xuất khẩu theo đơn đặt hàng, nếu không thực hiện được nghỉ hàng tuần thì phải bảo đảm hàng tháng có ít nhất 04 ngày nghỉ cho người lao động. Với lao động làm việc trong ngày từ 10 ngày trở lên phải được nghỉ thêm ít nhất 30 phút tính vào giờ làm việc, ngoài thời giờ nghỉ ngơi trong ca làm việc bình thường. Doanh nghiệp có trách nhiệm bố trí để người lao động được nghỉ hoặc nghỉ bù đủ số ngày lễ, Tết, nghỉ hàng năm và các ngày nghỉ có hưởng lương khác đúng theo quy định.

Bảo hiểm cho người lao động trên công trường tối thiểu 100 triệu/người/vụ

Từ 10/02/2016, nhà thầu thi công xây dựng phải mua bảo hiểm cho người lao động thi công trên công trường với mức bảo hiểm tối thiểu là 100 triệu đồng/người/vụ.

Cũng từ ngày này, chủ đầu tư hoặc nhà thầu các công trình, hạng mục công trình có ảnh hưởng đến an toàn cộng đồng; công trình đầu tư xây dựng có ảnh hưởng lớn đến môi trường thuộc Danh mục dự án phải thực hiện đánh giá tác động môi trường; công trình có yêu cầu kỹ thuật đặc thù, điều kiện thi công xây dựng phức tạp bắt buộc phải mua bảo hiểm trách nhiệm công trình trong thời gian xây dựng. Trong đó, số tiền bảo hiểm tối thiểu là giá trị đầy đủ của công trình khi hoàn thành nhưng không được thấp hơn tổng giá trị hợp đồng xây dựng, bao gồm cả giá trị điều chỉnh, bổ sung (nếu có).

Tương tự, nhà thầu tư vấn phải mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp tư vấn đầu tư xây dựng cho công việc khảo sát, thiết kế xây dựng công trình từ cấp II trở lên với số tiền bảo hiểm tối thiểu bằng giá trị hợp đồng tư vấn, thiết kế.

Trên đây là những nội dung đáng chú ý về bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dựng quy định tại Nghị định 119/2015/NĐ-CP.

Từ 2018, hỗ trợ ít nhất 10% cho người tham gia BHXH tự nguyện

Từ ngày 01/01/2018, người tham gia bảo BHXH tự nguyện sẽ được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng theo tỷ lệ % trên mức đóng BHXH hàng tháng theo mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn với mức hỗ trợ dao động từ 10 - 30%. Trong đó, mức hỗ trợ 30% áp dụng với người thuộc hộ nghèo; 20% với hộ cận nghèo và 10% với các đối tượng khác; thời gian hỗ trợ tùy thuộc thời gian tham gia BHXH tự nguyện thực tế của mỗi người, tối đa là 10 năm.

Đây là nội dung nổi bật tại Nghị định 134/2015/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về BHXH tự nguyện, có hiệu lực từ ngày 15/02/2016.

Nghị định cũng cho phép người tham gia BHXH tự nguyện được lựa chọn đóng bảo hiểm theo tháng, quý, năm, nửa năm/lần, đóng 01 lần cho nhiều năm về sau (tối đa 05 năm/lần) hoặc đóng 01 lần cho những năm còn thiếu (trường hợp đủ tuổi nghỉ hưu nhưng còn thiếu không quá 10 năm đóng BHXH)…; mức đóng hàng tháng bằng 22% mức thu nhập tháng do người tham gia BHXH tự nguyện lựa chọn, thấp nhất bằng mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn và cao nhất bằng 20 lần lương cơ sở tại thời điểm đóng.

Đóng bảo hiểm chưa đủ 1 năm được hưởng BHXH một lần tối đa 2 tháng lương

Theo Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH, mức hưởng BHXH một lần của người lao động có thời gian đóng BHXH chưa đủ 01 năm được tính bằng 22% các mức tiền lương đã đóng BHXH, tối đa bằng 02 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH.

Về mức hưởng chế độ ốm đau, người lao động nghỉ việc hưởng trợ cấp ốm đau từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng thì không phải đóng và không được hưởng BHXH tháng đó. Trường hợp nghỉ chăm sóc con dưới 07 tuổi, có xác nhận của cơ sở khám, chữa bệnh có thẩm quyền, người lao động đang tham gia BHXH bắt buộc vẫn được hưởng chế độ ốm đau theo quy định.

Cũng theo Thông tư này, tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc do người sử dụng lao động quyết định, không bao gồm các khoản chế độ và phúc lợi khác như: Tiền thưởng, tiền sáng kiến; Tiền ăn giữa ca; Các khoản hỗ trợ xăng xe, điện thoại, đi lại, tiền nhà ở, tiền giữ trẻ, nuôi con nhỏ; Hỗ trợ khi người lao động có thân nhân bị chết, người lao động có người thân kết hôn…

Thông tư này có hiệu lực từ ngày 15/02/2016.

Cá nhân chỉ được đầu tư gián tiếp ra nước ngoài dưới hình thức thưởng cổ phiếu

Có hiệu lực từ ngày 15/02/2016, Nghị định 135/2015/NĐ-CP quy định cá nhân có quốc tịch Việt Nam chỉ được thực hiện đầu tư gián tiếp ra nước ngoài dưới hình thức duy nhất là tham gia chương trình thưởng cổ phiếu phát hành ở nước ngoài.

Đối với tổ chức kinh tế, được thực hiện hoạt động đầu tư gián tiếp ra nước ngoài theo 02 phương thức: Tự doanh đầu tư gián tiếp ra nước ngoài và Ủy thác đầu tư gián tiếp ra nước ngoài. Trong đó, 06 tổ chức được tự doanh đầu tư gián tiếp ra nước ngoài, bao gồm: Công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ; Quỹ đầu tư chứng khoán thông qua công ty quản lý quỹ, công ty đầu tư chứng khoán; Doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm; Ngân hàng thương mại; Công ty tài chính tổng hợp; Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước.

Nguồn vốn để đầu tư gián tiếp ra nước ngoài bao gồm ngoại tệ tự có trên tài khoản và ngoại tệ mua từ tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (đối với tổ chức tự doanh); đặc biệt, không sử dụng nguồn vốn vay bằng đồng Việt Nam từ tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, nguồn vốn vay ngoại tệ trong và ngoài nước để mua ngoại tệ đầu tư gián tiếp ra nước ngoài.

Thay đổi điều kiện cấp phép nhập khẩu vàng nguyên liệu

Đây là một trong những nội dung sửa đổi về quản lý hoạt động kinh doanh vàng quy định tại Thông tư 38/2015/TT-NHNN ngày 31/12/2015.

Cụ thể, từ ngày 15/02/2016, doanh nghiệp hoạt động sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ muốn nhập khẩu vàng nguyên liệu chỉ cần có Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cấp; có nhu cầu nhập khẩu vàng nguyên liệu phù hợp với kế hoạch sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ và không vi phạm quy định của pháp luật về quản lý hoạt động kinh doanh vàng, quản lý chất lượng vàng trang sức, mỹ nghệ lưu thông trên thị trường trong thời hạn 12 tháng liền kề trước thời điểm đề nghị cấp và cho đến thời điểm cấp Giấy phép nhập khẩu vàng nguyên liệu mà không cần phải có Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp có đăng ký hoạt động sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ như trước đây.

Ngoài ra, Thông tư cũng cho phép doanh nghiệp, tổ chức tín dụng được điều chỉnh Giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng khi có thay đổi nội dung về thông tin doanh nghiệp trên Giấy phép hoặc thay đổi về địa điểm kinh doanh mua, bán vàng miếng. Khi đó, quyết định điều chỉnh sẽ là một bộ phận không tách rời của Giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng.

DN có trụ sở tại biên giới được ưu tiên mua bán hàng hóa qua cửa khẩu phụ

Ngày 30/12/2015, Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư 52/2015/TT-BCT, quy định danh sách thương nhân được thực hiện hoạt động mua bán hàng hóa qua biên giới qua cửa khẩu phụ, lối mở biên giới sẽ do UBND tỉnh biên giới quyết định, trên cơ sở đề xuất và ý kiến của Sở Công thương, Bộ Công Thương; trong đó, ưu tiên thương nhân có trụ sở đăng ký kinh doanh hoặc chi nhánh hạch toán độc lập tại tỉnh biên giới.

Hàng xuất khẩu qua cửa khẩu phụ, lối mở biên giới bao gồm tài nguyên, khoáng sản, mặt hàng bình ổn giá; hàng hóa không có Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa Việt Nam chỉ được xuất khẩu qua cửa khẩu phụ, lối mở biên giới trong thời gian cụ thể do UBND tỉnh biên giới thông báo. Hàng hóa nhập khẩu qua cửa khẩu phụ, lối mở biên giới bao gồm: Sắn; Hạt điều; Bột mì; Đậu tương đã hoặc chưa vỡ mảnh.

Trường hợp cửa khẩu phụ, lối mở biên giới bị ùn tắc do quá tải hoặc ách tắc, UBND tỉnh biên giới ưu tiên xuất khẩu các mặt hàng thực phẩm tươi sống, các mặt hàng nông sản mau hỏng và các hàng hóa xuất khẩu khác hoặc tạm ngưng xuất khẩu các mặt hàng không có Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa Việt Nam hoặc tạm ngưng nhập khẩu hàng hóa.

Thông tư này có hiệu lực từ ngày 15/02/2016.

Điều kiện đối với người thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm

Một loạt các hướng dẫn về sinh con bằng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm và điều kiện mang thai hộ vì mục đích nhân đạo, như: Tiêu chuẩn sức khỏe của người được thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm, mang thai và sinh con; Cơ sở vật chất, trang thiết bị và nhân sự của cơ sở khám, chữa bệnh được phép thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm … đã được quy định chi tiết tại Thông tư 57/2015/TT-BYT, có hiệu lực từ ngày 15/02/2016.

Cụ thể, để được thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm, cá nhân phải có văn bản kết luận xác định đủ sức khỏe để thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm, mang thai và sinh con của người có thẩm quyền; không đang mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục, nhiễm HIV, bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A, B; không bị bệnh di truyền có ảnh hưởng đến tính mạng và sự phát triển của trẻ khi sinh ra; không bị mắc bệnh tâm thần…

Với người trực tiếp thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm, phải có xác nhận đã trực tiếp thực hiện ít nhất 20 chu kỳ điều trị vô sinh bằng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm; có văn bằng, chứng chỉ, chứng nhận đã được đào tạo về kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm và có chứng chỉ hành nghề theo quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh.

6 dịch vụ viễn thông bắt buộc quản lý chất lượng

Ngày 15/12/2015, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Thông tư 35/2015/TT-BTTTT quy định Danh mục dịch vụ viễn thông bắt buộc quản lý chất lượng.

Theo đó, từ ngày 15/02/2016, sẽ có 06 dịch vụ viễn thông bắt buộc quản lý chất lượng thay vì 03 dịch vụ như trước đây. Các dịch vụ viễn thông bắt buộc quản lý chất lượng bao gồm: Dịch vụ điện thoại trên mạng viễn thông cố định mặt đất; Dịch vụ truy nhập Internet băng rộng cố định mặt đất sử dụng công nghệ FTTH/xPON (dịch vụ truy nhập Internet cáp quang); Dịch vụ truy nhập Internet băng rộng cố định mặt đất sử dụng công nghệ Modem cáp truyền hình (dịch vụ truy nhập Internet cáp truyền hình); Dịch vụ truy nhập Internet băng rộng cố định mặt đất sử dụng công nghệ xDSL (dịch vụ truy nhập Internet xDSL); Dịch vụ điện thoại trên mạng viễn thông di động mặt đất; Dịch vụ truy nhập Internet trên mạng viễn thông di động mặt đất IMT-2000.

Công dân được khai thác thông tin của mình trên CSDL quốc gia về dân cư

Nội dung này được nêu tại Nghị định 137/2015/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Căn cước công dân, có hiệu lực từ ngày 15/02/2016.

Theo Nghị định, công dân sẽ được khai thác thông tin của mình trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thông qua việc giải quyết thủ tục hành chính, thông qua văn bản yêu cầu khai thác thông tin hoặc thông qua dịch vụ viễn thông. Ngoài những trường hợp này, công dân có nhu cầu khai thác thông tin phải có văn bản yêu cầu và được sự đồng ý của cơ quan quản lý.

Về cấp số định danh cá nhân (gồm 12 số, trong đó 06 số là mã thế kỷ sinh, mã giới tính, mã năm sinh của công dân, mã tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoặc mã quốc gia nơi đăng ký khai sinh và 06 số ngẫu nhiên), Nghị định quy định, cá nhân sẽ được cấp số định danh cá nhân khi đăng ký khai sinh; trường hợp đã đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, số định danh cá nhân sẽ được cấp khi làm thủ tục cấp thẻ Căn cước công dân.

Lương y không được kê đơn thuốc kết hợp y học cổ truyền với tân dược

Lương y chỉ được kê đơn thuốc y học cổ truyền theo đúng phạm vi chuyên môn hành nghề, không được kê đơn thuốc kết hợp y học cổ truyền với thuốc tân dược là nội dung nổi bật tại Thông tư 01/2016/TT-BYT quy định về kê đơn thuốc y học cổ truyền, kê đơn thuốc y học cổ truyền kết hợp với thuốc tân dược trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

Cũng theo Thông tư này, bác sỹ chuyên khoa, bác sỹ định hướng y học cổ truyền được kê đơn kết hợp thuốc y học cổ truyền với thuốc tân dược; bác sĩ đa khoa, bác sĩ chuyên khoa khác và y sĩ đa khoa khi kê đơn kết hợp y học cổ truyền chỉ được kê đơn thuốc thành phẩm y học cổ truyền...

Đơn thuốc chỉ được kê sau khi đã trực tiếp khám bệnh, chẩn đoán bệnh và biện chứng luận trị theo y học cổ truyền, kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại; không kê thuốc không nhằm mục đích phòng, chữa bệnh, thuốc không được phép lưu hành hợp pháp, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm hoặc thành phần theo đề nghị của người bệnh vào đơn thuốc.

Thông tư này có hiệu lực từ ngày 18/02/2016.

Ngoài ra, còn nhiều quy định về thuế thu nhập doanh nghiệp đối với hoạt động bảo vệ môi trường; Thủ tục hải quan, quản lý thuế đối với hoạt động thương mại biên giới của thương nhân và cư dân biên giới; Hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư công; Đầu tư vốn Nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp; Danh mục hàng hóa mua bán, trao đổi của cư dân biên giới… cũng sẽ có hiệu lực từ tháng 02/2016.

Khách hàng của LuatVietnam có thể xem thêm Danh sách các văn bản có hiệu lực trong tháng 02/2016 tại đây.

 

Chia sẻ:
Đánh giá bài viết:

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục

Điểm tin VBPL tuần từ 15/11 - 21/11/2024

LuatVietnam gửi đến quý độc giả điểm tin VBPL tuần từ 15/11 - 21/11/2024 với các nội dung nổi bật liên quan đến Luật Hành chính, Luật Ngân hàng, Luật Dân sự.