Nhiều chính sách mới có hiệu lực từ tháng 12/2017

(LuatVietnam) Hàng loạt chính sách mới trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội như: Không dùng gầm cầu làm nơi ở, kinh doanh; Người Việt chơi casino phải chứng minh thu nhập từ 10 triệu/tháng; Sổ đỏ sẽ ghi tên tất cả thành viên trong gia đình; Vi phạm trong sản xuất mũ bảo hiểm, phạt đến 40 triệu đồng; Chưa xét khen thưởng cho công chức có đơn thư khiếu nại, tố cáo… sẽ chính thức có hiệu lực từ tháng 12/2017.


Không dùng gầm cầu làm nơi ở, kinh doanh

Theo Thông tư số 35/2017/TT-BGTVT của Bộ Giao thông Vận tải, từ ngày 01/12/2017, không được sử dụng gầm cầu đường bộ làm nơi ở, bãi đỗ xe và các dịch vụ kinh doanh khác.

Đối với các vị trí gầm cầu đường bộ đã được cấp có thẩm quyền chấp thuận sử dụng làm bãi đỗ xe tạm thời trước ngày 01/12/2017, khi hết thời hạn sử dụng tạm thời, tổ chức, cá nhân được giao sử dụng có trách nhiệm hoàn trả hiện trạng ban đầu và bàn giao cho cơ quan quản lý đường bộ. Trường hợp không thực hiện hoàn trả sẽ bị cưỡng chế giải tỏa theo quy định.

Thông tư cũng quy định, không cho phép công trình đường ống cung cấp năng lượng (xăng dầu, ga, khí đốt), đường ống hóa chất, vật liệu không bảo đảm quy định về phòng, chống cháy nổ gắn vào cầu. Công trình điện lực chỉ được phép lắp đặt vào cầu khi thực hiện đầy đủ các biện pháp an toàn điện; có biện pháp bảo đảm an toàn giao thông, an toàn vận hành…

Thông tư này có hiệu lực từ ngày 01/12/2017.

Chế độ lương với người làm công tác cơ yếu

Tại Thông tư số 07/2017/TT-BNV, Bộ Nội vụ đã có hướng dẫn cụ thể về chế độ tiền lương đối với người làm việc trong tổ chức cơ yếu hưởng lương và phụ cấp từ ngân sách Nhà nước.

Theo đó, bảng lương cấp hàm cơ yếu được quy định thành 10 bậc, từ bậc 1 đến bậc 10 tương ứng với hệ số lương từ 4,2 đến 9,2 (cấp bậc quân hàm từ Thiếu úy đến Trung tướng).

Bậc lương cấp hàm cơ yếu cao nhất áp dụng đối với các chức danh thuộc diện xếp lương cấp hàm cơ yếu được quy định như sau: Trưởng ban Ban Cơ yếu Chính phủ, bậc lương cao nhất là 10, hệ số lương 9,20; Phó Trưởng ban Ban Cơ yếu Chính phủ, Cục trưởng Cục Quản lý kỹ thuật nghiệp vụ mật mã, Giám đốc Học viện Kỹ thuật mật mã có bậc  lương cao nhất là 9, hệ số lương là 8,60; Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng cơ yếu cấp tỉnh và tương đương có bậc lương cao nhất là 6, hệ số lương 6,60…

Thông tư này có hiệu lực từ ngày 01/12/2017.

Chỉ bị tước GPLX đối với loại xe đã điều khiển khi vi phạm

Đây là một trong những nội dung được Bộ Giao thông Vận tải quy định tại Thông tư số 37/2017/TT-BGTVT, có hiệu lực từ ngày 01/12/2017.

Thông tư quy định rõ, trường hợp người vi phạm hành chính có Giấy phép lái xe tích hợp của Giấy phép lái xe có thời hạn và Giấy phép lái xe không thời hạn, bị áp dụng hình thức xử phạt tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe, người có thẩm quyền quyết định xử phạt phải ghi rõ trong quyết định xử phạt vi phạm hành chính các hạng xe được phép điều khiển theo Giấy phép lái xe và áp dụng hình thức xử phạt tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe có thời hạn hoặc Giấy phép lái xe không thời hạn đối với loại xe đã sử dụng khi thực hiện hành vi vi phạm (xe ô tô hoặc máy kéo hoặc xe mô tô).

Người vi phạm hành chính được quyền điều khiển những loại xe còn lại được ghi trong Giấy phép lái xe.

Người Việt chơi casino phải chứng minh thu nhập từ 10 triệu/tháng

Từ 01/12/2017, người Việt Nam chính thức được tham gia chơi tại các điểm kinh doanh casino trong nước, tuy nhiên, sẽ phải có hồ sơ chứng minh đủ năng lực tài chính. Đây là nội dung được Bộ Tài chính quy định rất cụ thể tại Thông tư số 102/2017/TT-BTC.

Theo đó, hồ sơ chứng minh năng lực tài chính gồm một trong hai loại giấy tờ: Chứng từ chứng minh có thu nhập chịu thuế từ bậc 3 trở lên theo quy định của Luật Thuế thu nhập cá nhân trong vòng 01 năm trước khi vào chơi casino; Giấy tờ chứng minh người chơi có thu nhập thường xuyên từ 10 triệu đồng/tháng trở lên.

Trong đó, Giấy tờ chứng minh người chơi có thu nhập thường xuyên từ 10 triệu đồng/tháng trở lên có thể là bản sao có chứng thực xác nhận thu nhập hàng tháng, bảng lương hàng tháng trong 03 tháng gần nhất; Bản sao có chứng thực hợp đồng cho thuê nhà, cho thuê tài sản; Bản sao có chứng thực sổ tiết kiệm ngân hàng, sao kê tiền gửi ngân hàng có thời hạn từ 01 năm trở lên…

Hồ sơ chứng minh năng lực tài chính của người chơi phải được doanh nghiệp kinh doanh casino lưu giữ tối thiểu 05 năm để phục vụ công tác quản lý, giám sát, kiểm tra, thanh tra của cơ quan quản lý Nhà nước.

Thông tư này có hiệu lực từ ngày 01/12/2017.

Quy định về gói dịch vụ y tế cơ bản cho tuyến cơ sở

Gói dịch vụ y tế cơ bản cho tuyến y tế cơ sở bao gồm: Gói dịch vụ y tế cơ bản do Quỹ bảo hiểm y tế chi trả và Gói dịch vụ y tế cơ bản phục vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu, dự phòng và nâng cao sức khỏe.

Cụ thể, Gói dịch vụ y tế cơ bản do Quỹ bảo hiểm y tế chi trả áp dụng đối với trạm y tế xã, phường, thị trấn, phòng khám bác sĩ gia đình; gồm 76 dịch vụ kỹ thuật khám bệnh, chữa bệnh, trong đó có: Khám bệnh; Tiêm; Băng bó vết thương; Thở oxy… và 241 loại thuốc, trong đó có: Thuốc thuộc nhóm thuốc gây mê, tê và oxy dược dụng; Thuốc giảm đau, chăm sóc giảm nhẹ, thuốc điều trị gút…

Gói dịch vụ y tế cơ bản phục vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu, dự phòng và nâng cao sức khỏe áp dụng tại trung tâm y tế cấp huyện và các trạm y tế xã, phường, thị trấn. Gói này gồm 17 nhóm dịch vụ chủ yếu, trong đó có: Các dịch vụ về tiêm chủng; Các dịch vụ khám, quản lý sức khỏe cá nhân phục vụ chăm sóc sức khỏe; Các dịch vụ y tế học đường…

Trên đây là nội dung tại Thông tư số 39/2017/TT-BYT của Bộ Y tế; có hiệu lực từ ngày 01/12/2017.

Không trang trí băng rôn khi đón khách nước ngoài thăm địa phương

Khi đón khách nước ngoài thăm địa phương, Bộ Ngoại giao yêu cầu không trang trí băng rôn, pano, khẩu hiệu chào mừng. Nếu trong chương trình đón tiếp có lễ ký kết thỏa thuận giữa hai bên, tại phòng ký kết có thể trang trí phông. Đây là nội dung của Thông tư số 05/2017/TT-BNG, có hiệu lực từ ngày 01/12/2017.

Trường hợp khách nước ngoài tham dự sự kiện tại địa phương, việc trang trí băng rôn, pano, khẩu hiệu chào mừng phải phù hợp với thông lệ lễ tân tổ chức của sự kiện, theo đề án và kế hoạch được phê duyệt với số lượng hợp lý, hình thức phù hợp và tại những địa điểm cần thiết.

Về tặng phẩm đối với khách nước ngoài thăm địa phương, chỉ tặng cho Trưởng đoàn khách và Phu nhân/Phu quân (nếu có). Trường hợp đặc biệt, có tặng phẩm tặng các thành viên đoàn. Tặng phẩm là sản phẩm đặc trưng của địa phương hoặc Việt Nam, thể hiện bản sắc văn hóa dân tộc.

Sổ đỏ sẽ ghi tên tất cả thành viên trong gia đình

Đây là quy định mới của Bộ Tài nguyên và Môi trường tại Thông tư số 33/2017/TT-BTNMT, có hiệu lực từ ngày 05/12/2017.

Theo đó, trên trang 01 của Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sau đây gọi là Sổ đỏ) được ghi như sau: Trường hợp hộ gia đình sử dụng đất thì ghi “Hộ gia đình, gồm ông” hoặc “gồm bà”, sau đó ghi họ tên, năm sinh, tên và số giấy tờ nhân thân của chủ hộ gia đình; địa chỉ thường trú của hộ gia đình.

Trường hợp chủ hộ gia đình không có quyền sử dụng đất chung của hộ gia đình thì ghi người đại diện là thành viên khác của hộ gia đình có chung quyền sử dụng đất của hộ gia đình. Dòng tiếp theo ghi “Cùng sử dụng đất, cùng sở hữu tài sản gắn liền với đất với… (ghi lần lượt họ tên, năm sinh, tên và số giấy tờ nhân thân của những thành viên còn lại trong hộ gia đình có chung quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất).

Như vậy, so với quy định trước đây, Thông tư này đã bổ sung quy định về việc ghi tên lần lượt các thành viên trong hộ gia đình có chung quyền sử dụng, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất.

* Nội dung này đã tạm ngưng hiệu lực theo quy định của Thông tư số 53/2017/TT-BTNMT. 

Nhân viên DV bảo vệ phải mặc sơ mi xanh hoặc trắng

Trang phục của nhân viên dịch vụ bảo vệ là một trong những nội dung được Bộ Công an quy định tại Thông tư số 42/2017/TT-BCA, có hiệu lực từ ngày 06/12/2017.

Theo đó, vào mùa xuân, hè, nhân viên dịch vụ bảo vệ phải mặc áo sơ mi xanh da trời hoặc trắng, ngắn tay hoặc dài tay, trước ngực áo bên trái có gắn logo của doanh nghiệp; quần màu xanh đen, kiểu âu phục. Vào mùa thu, đông, nhân viên dịch vụ bảo vệ phải mặc áo ngoài kiểu veston dài tay, màu xanh đen, quần giống như quần xuân hè. Đồng thời, nhân viên dịch vụ bảo vệ phải đi giày da màu đen; đội mũ mềm, có lưỡi trai, màu cùng màu quần.

Đối với nhân viên dịch vụ bảo vệ làm việc tại các mục tiêu cần bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động có thể sử dụng thêm trang phục, thiết bị bảo hộ lao động theo quy định về an toàn, vệ sinh lao động.

Cơ quan Việt Nam ở nước ngoài không dùng tiền mặt để thanh toán

Đây là quy định của Chính phủ tại Nghị định số 117/2017/NĐ-CP, có hiệu lực từ ngày 10/12/2017.

Cụ thể, Thủ trưởng cơ quan Việt Nam ở nước ngoài có trách nhiệm xem xét, quyết định lựa chọn ngân hàng có uy tín hàng đầu ở nước sở tại để mở tài khoản phục vụ hoạt động của Cơ quan. Khi trả tiền cho bên thụ hưởng, Cơ quan Việt Nam ở nước ngoài phải sử dụng các phương tiện thanh toán và gửi chứng từ chi về Việt Nam để kiểm soát, không dùng tiền mặt để chi trả.

Cơ quan Việt Nam ở nước ngoài chỉ được sử dụng tiền mặt để thanh toán trong các trường hợp sau: Cơ quan hoạt động tại nước có hệ thống tài khoản thanh toán chưa phát triển, đơn vị cung cấp dịch vụ không mở tài khoản ngân hàng; Các khoản chi được phép chi trả bằng tiền mặt theo quy định của Bộ Tài chính.

Giảm phí công chứng hợp đồng mua bán tài sản đấu giá

Tại Thông tư số 111/2017/TT-BTC, Bộ Tài chính đã điều chỉnh mức thu phí đối với việc công chứng hợp đồng mua bán tài sản đấu giá.

Mức phí mới được tính trên giá trị tài sản bán được, cụ thể như sau: Với giá trị tài sản dưới 05 tỷ đồng, mức thu phí là 90.000 đồng/trường hợp; Từ 05 tỷ đồng đến dưới 20 tỷ đồng, mức thu phí là 270.000 đồng/trường hợp; Trên 20 tỷ đồng, mức thu phí là 450.000 đồng/trường hợp.

Trong khi trước đây, mức thu phí đối với các trường hợp nêu trên lần lượt là 100.000 đồng/trường hợp; 300.000 đồng/trường hợp và 500.000 đồng/trường hợp.

Thông tư này có hiệu lực từ ngày 11/12/2017.

Thay đổi phí đăng ký giao dịch bảo đảm

Cũng có hiệu lực từ ngày 11/12/2017, Thông tư số 113/2017/TT-BTC của Bộ Tài chính lại điều chỉnh một số mức phí trong lĩnh vực đăng ký giao dịch bảo đảm.

Cụ thể, mức phí đăng ký văn bản thông báo về việc xử lý tài sản bảo đảm được Thông tư này quy định là 30.000 đồng/hồ sơ, thay vì 70.000 đồng/hồ sơ như quy định trước đây. Đồng thời, phí cấp bản sao văn bản chứng nhận nội dung đăng ký giao dịch bảo đảm được quy định là 25.000 đồng/trường hợp, thay vì 30.000 đồng/trường hợp như quy định cũ.

Vi phạm trong sản xuất mũ bảo hiểm, phạt đến 40 triệu đồng

Có hiệu lực từ ngày 15/12/2017, Nghị định số 119/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định cụ thể về các mức xử phạt vi phạm trong sản xuất mũ bảo hiểm và trong sản xuất, pha chế khí, pha chế xăng dầu.

Theo đó, phạt tiền từ 30 - 40 triệu đồng đối với một trong các hành vi: Sản xuất mũ bảo hiểm khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất mũ bảo hiểm; Sử dụng Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản sản xuất mũ bảo hiểm đã hết hiệu lực. 

Phạt tiền từ 40 - 60 triệu đồng đối với một trong các hành vi: Sản xuất, pha chế khí, xăng dầu khi chưa được cấp Giấy chứng nhận; Sử dụng Giấy chứng nhận đăng ký cơ sở pha chế khí, xăng dầu đã hết hiệu lực. 

Trong cả hai trường hợp vi phạm nêu trên, đối tượng vi phạm sẽ bị áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả như: Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp; Buộc thu hồi Giấy chứng nhận.

Chưa xét khen thưởng cho công chức có đơn thư khiếu nại, tố cáo

Nội dung này được thể hiện tại Thông tư số 08/2017/TT-BNV của Bộ Nội vụ, có hiệu lực từ ngày 15/12/2017.

Cụ thể, Thông tư quy định chưa khen thưởng hoặc đề nghị cấp trên khen thưởng cho tập thể, cá nhân đang trong thời gian bị xem xét thi hành kỷ luật hoặc đang điều tra, thanh tra, kiểm tra có dấu hiệu vi phạm hoặc có đơn thư khiếu nại, tố cáo đang được xác minh làm rõ.

Ngoài ra, Thông tư này cũng quy định thêm một số nguyên tắc khác khi xét khen thưởng cho tập thể, cá nhân, như: Không cộng dồn thành tích đã khen thưởng của lần trước để đề nghị nâng mức khen thưởng lần sau; Không tặng nhiều hình thức khen thưởng cho một thành tích đạt được; Tập thể, cá nhân đủ tiêu chuẩn tặng hình thức mức hạng nào thì xét, đề nghị cấp có thẩm quyền tặng thưởng hình thức đó; Trong 01 năm không đề nghị cấp trên xét, tặng 02 hình thức khen thưởng cấp Nhà nước cho một tập thể hoặc một cá nhân (trừ thành tích đặc biệt xuất sắc đột xuất)…

Cơ sở giết mổ động vật phải cách khu dân cư tối thiểu 500m

Tại Thông tư số 13/2017/TT-BNNPTNT, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định cơ sở giết mổ động vật tập trung phải cách biệt tối thiểu 500m với khu dân cư, trường học, bệnh viện, nơi thường xuyên tập trung đông người, đường quốc lộ và nguồn cung cấp nước sinh hoạt. Đồng thời, phải nằm trong quy hoạch được UBND cấp tỉnh phê duyệt và được cơ quan có thẩm quyền cấp phép.

Người tham gia giết mổ phải được tập huấn và cấp Giấy xác nhận kiến thức về an toàn thực phẩm do đơn vị có chức năng, nhiệm vụ cấp theo quy định hiện hành; Được định kỳ khám lại sức khỏe theo quy định của Bộ Y tế; không được mắc các bệnh thuộc Danh mục các bệnh truyền nhiễm theo quy định của Bộ Y tế và được cấp Giấy xác nhận đủ sức khỏe trước khi hành nghề.

Thông tư này có hiệu lực từ ngày 20/12/2017.

Tiêu chuẩn của giáo viên làm Tổng phụ trách Đội

Thông tư số 27/2017/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục Đào tạo sẽ có hiệu lực từ ngày 24/12/2017, trong đó quy định cụ thể về tiêu chuẩn của giáo viên làm Tổng phụ trách Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh trong các cơ sở giáo dục phổ thông công lập (sau đây gọi là Tổng phụ trách Đội).

Các tiêu chuẩn này bao gồm: Đáp ứng đủ tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên theo hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên đang giữ; Đã được đào tạo nghiệp vụ công tác Đội cùng chuyên ngành giảng dạy hoặc bồi dưỡng nghiệp vụ về công tác Đội; Có năng lực phối hợp với các tổ chức trong và ngoài nhà trường để tổ chức các hoạt động Đội và phong trào thiếu nhi.

Đặc biệt, những giáo viên có khả năng về âm nhạc, mỹ thuật, thể dục thể thao, thuyết trình, tổ chức sự kiện, truyền thông sẽ được ưu tiên lựa chọn làm Tổng phụ trách Đội để giúp nhà trường tổ chức tốt các hoạt động Đội và phong trào thiếu nhi.

Cũng theo Thông tư, thời hạn giáo viên được cử làm Tổng phụ trách Đội là 05 năm; hết thời hạn trên, nhà trường có trách nhiệm bố trí giáo viên trở lại giảng dạy theo đúng chuyên ngành được đào tạo.

Thức ăn chăn nuôi, thủy sản mới phải được khảo nghiệm

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định thức ăn chăn nuôi, thủy sản mới phải được khảo nghiệm theo quy trình phù hợp với từng đối tượng vật nuôi. Trường hợp chưa có quy trình khảo nghiệm do Bộ ban hành thì khảo nghiệm theo quy trình do cơ sở khảo nghiệm tự xây dựng và được Hội đồng thẩm định đề cương khảo nghiệm chấp nhận.

Tổ chức, cá nhân sử dụng thuốc thú y có thành phần kháng sinh trong thức ăn chăn nuôi nhằm mục đích phòng bệnh, trị bệnh cho gia súc, gia cầm không phải công bố tên, hàm lượng của kháng sinh trong tiêu chuẩn công bố áp dụng và mẫu nhãn sản phẩm khi đăng ký sản phẩm thức ăn chăn nuôi, nhưng phải công bố tên, hàm lượng kháng sinh, hướng dẫn sử dụng, thời gian ngừng sử dụng trên nhãn hàng hóa hoặc nhãn phụ, bao bì hoặc tài liệu kèm theo khi lưu hành trên thị trường.

Trên đây là quy định của Thông tư số 20/2017/TT-BNNPTNT, có hiệu lực từ ngày 25/12/2017.

Ngoài ra, còn có quy định về Trình tự, thủ tục giám sát ngân hàng; Quy định về thực hành bảo đảm an toàn sinh học trong phòng xét nghiệm; Quy định về tổ chức hoạt động văn hóa của học sinh, sinh viên trong các cơ sở giáo dục; Hướng dẫn giám sát giao dịch chứng khoán trên thị trường chứng khoán… cũng sẽ có hiệu lực từ tháng 12/2017.

Khách hàng của LuatVietnam có thể xem thêm Danh sách các văn bản có hiệu lực trong tháng 12/2017 tại đây.

 

Đánh giá bài viết:

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục