Bộ Y tế cập nhật chế độ báo cáo định kỳ mới
Ngày 30/12/2019, Bộ Y tế ban hành Thông tư 38/2019/TT-BYT về việc quy định chế độ báo cáo định kỳ thuộc phạm vi chức năng quản lý Nhà nước của Bộ Y tế.
Thời hạn gửi báo cáo về đơn vị đầu mối của Bộ Y tế thực hiện như sau:
- Báo cáo tháng: Chậm nhất là ngày 20 của tháng báo cáo;
- Báo cáo quý: Chậm nhất là ngày 20 của tháng cuối cùng của quý báo cáo;
- Báo cáo 6 tháng đầu năm: Chậm nhất là ngày 20/06 hàng năm;
- Báo cáo năm: Chậm nhất là ngày 20/12 hằng năm.
Báo cáo được thể hiện dưới hình thức văn bản giấy hoặc văn bản điện tử do người có thẩm quyền ký, đóng dấu cơ quan, đơn vị; được gửi qua Hệ thống quản lý văn bản điện tử Bộ Y tế (kèm bản Word, Excel) hoặc gửi trực tiếp, gửi qua dịch vụ bưu chính, gửi qua hệ thống thư điện tử.
Nhiều chính sách mới có hiệu lực 14/2/2020 (Ảnh minh họa)
Khi tiếp nhận tài trợ phải có chứng từ chứng minh
Hướng dẫn về quản lý ngoại hối đối với nguồn vốn ngoại tệ của chương trình, dự án tài chính vi mô của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức phi chính phủ được quy định tại Thông tư 34/2019/TT-NHNN.
Theo Thông tư này, khi tiếp nhận tài trợ, viện trợ không hoàn lại bằng ngoại tệ từ tổ chức, cá nhân là người không cư trú, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức phi chính phủ có trách nhiệm xuất trình các giấy tờ, chứng từ chứng minh nguồn tiền là tiền tài trợ, viện trợ không hoàn lại từ tổ chức, cá nhân là người không cư trú, các giấy tờ khác theo quy định của ngân hàng được phép.
Đồng thời, phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính xác thực của các loại giấy tờ, chứng từ đã xuất trình cho ngân hàng được phép.
Thời hạn của trái phiếu đặc biệt tối đa là 10 năm
Thông tư 32/2019/TT-NHNN ban hành ngày 31/12/2019 quy định thời hạn của trái phiếu đặc biệt được xác định theo thỏa thuận giữa Công ty Quản lý tài sản và tổ chức tín dụng bán nợ nhưng tối thiểu là 01 năm.
Nếu số tiền thu hồi nợ chưa đủ để thanh toán trái phiếu đến hạn, thì Công ty Quản lý tài sản có thể gia hạn thời hạn của trái phiếu nhưng tối đa là 03 năm, nếu thời hạn gia hạn quá 03 năm thì phải có sự đồng ý của tổ chức sở hữu trái phiếu. Việc gia hạn này không được thực hiện để nhằm mục đích để tham gia nghiệp vụ thị trường mở.
Thời hạn của trái phiếu đặc biệt tối đa là 05 năm, trường hợp trái phiếu được phát hành để mua nợ xấu của các tổ chức tín dụng đang thực hiện tái cơ cấu hoặc có khó khăn về tài chính thì thời hạn của trái phiếu đặc biệt tối đa là 10 năm.