Ngày 20/5/2019, Bộ Y tế ban hành Quyết định 1899/QĐ-BYT công bố Danh mục điều kiện kinh doanh và danh mục sản phẩm, hàng hoá kiểm tra chuyên môn thuộc phạm vi quản lý của mình.
Nhân viên phun, xăm của cơ sở thẩm mỹ phải có chứng chỉ (Ảnh minh họa)
Theo đó, để được cấp giấy phép hoạt động, cơ sở thẩm mỹ phải đáp ứng đủ các điều kiện:
* Về nhân lực:
- Một người chịu trách nhiệm về chuyên môn kỹ thuật:
+ Là bác sỹ có chứng chỉ hành nghề phù hợp;
+ Là bác sỹ chuyên khoa phẫu thuật tạo hình, tạo hình thẩm mỹ hoặc phẫu thuật thẩm mỹ (nếu là phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ);
+ Có thời gian hành nghề ít nhất 36 tháng sau khi được cấp chứng chỉ hành nghề hoặc có thời gian trực tiếp tham gia thực hiện ít nhất 54 tháng;
+ Là người hành nghề cơ hữu tại cơ sở.
- Các nhân viên thực hiện xăm, phun, thêu trên da không sử dụng thuốc gây tê dạng tiêm phải có giấy chứng nhận hoặc chứng chỉ đào tạo, dạy nghề về phun, xăm, thêu trên da do cơ sở đào tạo hoặc dạy nghề hợp pháp cấp;
- Các đối tượng khác tham gia vào quá trình thực hiện thẩm mỹ nhưng không cần chứng chỉ hành nghề thì được thực hiện các hoạt động theo phân công của người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật. Việc phân công phải phù hợp với văn bằng chuyên môn của người đó.
* Về cơ sở vật chất: Có địa điểm cố định.
* Về trang thiết bị y tế: Có đủ trang thiết bị y tế phù hợp với phạm vi hoạt động chuyên môn.
Tại Quyết định, Bộ Y tế đã cắt giảm 1.376 điều kiện đầu tư kinh doanh (trước cắt giảm là 1.996 điều kiện; sau cắt giảm còn 620 điều kiện) của các lĩnh vực trong phạm vi quản lý.
Bên cạnh việc quy định chi tiết các điều kiện này, Bộ còn nêu rõ 05 nhóm mặt hàng do Bộ quản lý, cụ thể: nước uống đóng chai, nước khoáng thiên nhiên, thực phẩm chức năng, phụ gia thực phẩm/chất hỗ trợ chế biến và dụng cụ vật liệu bao gói chứa đựng thực phẩm.
Quyết định 1899/QĐ-BYT có hiệu lực từ 20/5/2019.