(LuatVietnam) Quy định này được nêu tại Thông tư số 184/2009/TT-BTC ngày 15/9/2009 của Bộ Tài chính. Theo Thông tư này, tổ chức, cá nhân Việt Nam và nước ngoài khi được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép hoạt động khoáng sản và độc quyền thăm dò khoáng sản phải nộp lệ phí. Cụ thể, đối với hoạt động khảo sát là 02 triệu đồng/giấy phép; đối với hoạt động thăm dò, nếu diện tích thăm dò nhỏ hơn 100 ha mức thu là 04 triệu đồng/giấy phép, từ 100 ha đến 50.000 ha mức thu là 10 triệu đồng/giấy phép, trên 50.000 ha mức thu là 15 triệu đồng/giấy phép; đối với hoạt động chế biến khoáng sản, mức thu là 10 triệu đồng/giấy phép; khai thác tận thu, mức thu là 05 triệu đồng/giấy phép. Trường hợp cấp gia hạn giấy phép, cấp lại giấy phép khi chuyển nhượng, thừa kế thì người được gia hạn giấy phép, người được chuyển nhượng, thừa kế phải nộp lệ phí tính bằng 50% mức lệ phí tương ứng với các mức thu nêu trên.
Mức thu lệ phí độc quyền thăm dò khoáng sản được quy định như sau: năm thứ nhất là 50.000 đồng/ha/năm, năm thứ hai là 80.000 đồng/ha/năm, năm thứ ba và thứ tư trở đi là 100.000 đồng/ha/năm. Trường hợp trả lại giấy phép thăm dò hoặc trả lại một phần diện tích độc quyền thăm dò khoáng sản đã được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép thì không phải nộp lệ phí độc quyền thăm dò đối với thời gian còn lại kể từ ngày giấy phép thăm dò chấm dứt hiệu lực.
Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 45 ngày kể từ ngày ký và thay thế Thông tư số 20/2005/TT-BTC ngày 16/3/2005 của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng lệ phí cấp giấy phép hoạt động khoáng sản và Thông tư số 18/2003/TT-BTC ngày 10/01/2003 của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng lệ phí độc quyền thăm dò khoáng sản.
- LuậtViệtnam