(LuatVietnam) Nội dung này được nêu tại Đề án “Cơ cấu lại doanh nghiệp Nhà nước, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước giai đoạn 2016 - 2020” do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 707/QĐ-TTg ngày 25/05/2017.
Theo đó, từ nay đến năm 2020, sẽ tiến hành hoàn thành cổ phần hóa 137 doanh nghiệp; phấn đấu đến hết năm 2020, Nhà nước chỉ giữ 100% vốn tại 103 doanh nghiệp (chưa gồm các công ty nông, lâm nghiệp, doanh nghiệp quốc phòng, an ninh, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh Nhà nước, Công ty mua bán nợ Việt Nam và Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam).
Đồng thời, tiến hành rà soát, xử lý dứt điểm tồn tại, yếu kém của doanh nghiệp Nhà nước và doanh nghiệp có vốn Nhà nước. Trong đó, kiên quyết xử lý các doanh nghiệp thua lỗ, các dự án đầu tư không hiệu quả, hiệu quả thấp theo cơ chế thị trường và xác định rõ trách nhiệm của từng đơn vị, cá nhân liên quan; Tập trung xử lý dứt điểm các tồn tại, yếu kém của 12 dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành công thương và tiếp tục rà soát đối với các dự án, doanh nghiệp khác.
Về chính sách quản lý doanh nghiệp Nhà nước, Đề án này chủ trương tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý tiền lương, tiền thưởng để doanh nghiệp chủ động trả lương, trả thưởng gắn với năng suất lao động, hiệu quả sản xuất, kinh doanh; bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp, người lao động; thu hút lao động có trình độ cao vào làm việc. Đồng thời, tăng cường quản lý và giám sát chặt chẽ việc vay nợ và sử dụng vốn vay của doanh nghiệp Nhà nước, nhất là vay nợ nước ngoài, hạn chế tối đa cấp bảo lãnh Chính phủ cho các khoản vay mới…
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
· LuatVietnam