Cụ thể, mỗi khuôn viên nhà ở, công trình xây dựng có nhà tại mặt tiền của các tuyến giao thông được mang một biển số nhà theo quy cách thống nhất trên toàn thành phố. Số nhà trên các tuyến giao thông được đánh bằng dãy số tự nhiên bắt đầu từ nhà đầu tuyến đến cuối tuyến, không phân biệt ranh giới hành chính; đứng đầu tuyến trái nhìn về phía cuối tuyến, nhà bên trái đánh số lẻ, nhà bên phải đánh số chẵn. Trường hợp một nhà có cửa mở ra hai tuyến giao thông khác nhau thì nhà đó được đánh số theo tuyến giao thông có mặt cắt ngang lớn hơn; các tuyến giao thông có mặt cắt ngang tương đương thì đánh số nhà theo tuyến có cửa chính vào nhà.
Chiều đánh số nhà được thực hiện từ trung tâm thành phố ra phía ngoại ô và theo chiều quay của kim đồng hồ; trường hợp các tuyến đường, phố nối thông giữa hai đường, phố có mặt cắt ngang tương đương nhau thì chiều đánh số nhà được thực hiện theo hướng từ Bắc xuống Nam, từ Đông sang Tây, từ Đông Bắc sang Tây Nam, từ Đông Nam sang Tây Bắc; trường hợp các tuyến đường, phố nối thông giữa hai đường, phố có mặt cắt ngang chênh lệch nhau, chiều đánh số nhà được thực hiện từ điểm đầu nối với đường, phố có mặt cắt ngang lớn hơn; các tuyến đường, phố song song với nhau thì chiều đánh số nhà cho các tuyến song song lấy theo cùng chiều đánh số nhà của đường, phố có mặt cắt ngang lớn nhất.
Đặc biệt, cũng tại Quy chế này, lần đầu tiên TP. Hà Nội có quy định về việc cấp Giấy chứng nhận số nhà. Theo đó, đối tượng được cấp là chủ sở hữu nhà đã được đánh số, gắn biển số nhà theo Quy chế này, kể cả trường hợp trước đây đã đánh số nhà nhưng chưa được cấp Giấy chứng nhận số nhà. Giấy chứng nhận số nhà được sử dụng khi cá nhân, hộ gia đình, cơ quan, tổ chức làm thủ tục liên quan đến địa chỉ và không có giá trị công nhận quyền sở hữu nhà ở, quyền sở hữu công trình xây dựng.
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 04/02/2014.
- LuậtViệtnam