(LuatVietnam) Đây là một trong những nội dung nổi bật tại Thông tư số 130/2015/TT-BTC ngày 25/08/2015 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung Thông tư số 115/2013/TT-BTC ngày 20/08/2013 hướng dẫn bảo hiểm hưu trí và Quỹ hưu trí tự nguyện.
Cụ thể, ngoài người mắc bệnh hiểm nghèo hoặc bị suy giảm khả năng lao động 61% trở lên, từ ngày 10/10/2015, người được bảo hiểm là công dân Việt Nam được cơ quan có thẩm quyền cho phép định cư hợp pháp tại nước ngoài cũng có thể yêu cầu doanh nghiệp bảo hiểm cho rút trước một phần hoặc toàn bộ giá trị tài khoản bảo hiểm hưu trí.
Trong đó, bảo hiểm hưu trí là sản phẩm bảo hiểm nhân thọ do doanh nghiệp bảo hiểm thực hiện nhằm cung cấp thu nhập bổ sung cho người được bảo hiểm khi hết tuổi lao động. Trên cơ sở bên mua bảo hiểm đóng phí bảo hiểm, người được bảo hiểm bắt đầu nhận quyền lợi khi đạt đến tuổi theo thỏa thuận tại hợp đồng bảo hiểm, nhưng không dưới 55 tuổi đối với nữ và 60 tuổi đối với nam trừ trường hợp pháp luật có quy định khác về độ tuổi nghỉ hưu.
Một nội dung đáng chú ý khác là quy định sửa đổi về điều kiện đại lý bảo hiểm. Theo đó, thay vì phải có ít nhất 06 tháng kinh nghiệm hoạt động đại lý bảo hiểm nhân thọ liên tục hoặc trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, bảo hiểm như trước đây, từ ngày 10/10/2015, đại lý bảo hiểm được triển khai sản phẩm bảo hiểm hưu trí phải có chứng chỉ đại lý bảo hiểm do cơ sở đào tạo được Bộ Tài chính chấp thuận cấp; không vi phạm quy tắc đạo đức nghề nghiệp đại lý của doanh nghiệp bảo hiểm trong thời gian hành nghề đại lý và phải được doanh nghiệp bảo hiểm đào tạo, chứng nhận hoàn thành khóa học về sản phẩm bảo hiểm hưu trí tự nguyện.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10/10/2015.
· LuatVietnam