(LuatVietnam) Đây là một trong những nội dung rất đáng chú ý tại Luật An toàn, vệ sinh lao động số 84/2015/QH13 được Quốc hội thông qua ngày 25/06/2015, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/07/2016.
Cụ thể, Luật quy định người sử dụng lao động phải có trách nhiệm sắp xếp công việc mới phù hợp với sức khỏe của người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp sau khi điều trị, phục hồi chức năng, nếu còn tiếp tục làm việc. Trong trường hợp này, nếu phải đào tạo người lao động để chuyển đổi nghề nghiệp thì được hỗ trợ không quá 50% mức học phí đào tạo nghề và không quá 15 lần mức lương cơ sở; số lần hỗ trợ tối đa đối với mỗi người lao động là 02 lần và trong 01 năm chỉ được nhận một lần.
Cũng theo Luật này, người sử dụng lao động hàng tháng phải đóng tối đa 1% trên quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội của người lao động vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Hàng năm, Quỹ này sẽ dành tối đa 10% nguồn thu để hỗ trợ các hoạt động phòng ngừa, chia sẻ rủi ro về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp như: Khám chữa bệnh nghề nghiệp; phục hồi chức năng lao động; điều tra lại các vụ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo yêu cầu của cơ quan bảo hiểm xã hội…
Ngoài ra, Luật yêu cầu người sử dụng lao động phải tổ chức khám sức khỏe ít nhất 01 năm/lần cho người lao động; đối với người lao động làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, người lao động là người khuyết tật, người lao động chưa thành niên, người lao động cao tuổi được khám sức khỏe ít nhất 06 tháng/lần.
· LuatVietnam