Từ ngày 01/01/2021, thời điểm Bộ luật Lao động năm 2019 chính thức có hiệu lực, nhiều quy định mới liên quan đến người lao động cũng được áp dụng. Một trong số đó là thời gian nghỉ giữa giờ.
Quy định mới về nghỉ giữa giờ theo Bộ luật Lao động 2019 (Ảnh minh họa)
Cụ thể, theo khoản 1 Điều 109 Bộ luật Lao động năm 2019, nghỉ trong giờ làm việc của người lao động được thực hiện như sau:
Người lao động làm việc theo thời giờ làm việc quy định tại Điều 105 của Bộ luật này từ 06 giờ trở lên trong một ngày thì được nghỉ giữa giờ ít nhất 30 phút liên tục, làm việc ban đêm thì được nghỉ giữa giờ ít nhất 45 phút liên tục.
Trường hợp người lao động làm việc theo ca liên tục từ 06 giờ trở lên thì thời gian nghỉ giữa giờ được tính vào giờ làm việc.
Tuy nhiên, hiện nay, khoản 1 Điều 108 Bộ luật Lao động 2012 nêu rõ:
Người lao động làm việc liên tục 08 giờ hoặc 06 giờ theo quy định tại Điều 104 của Bộ luật này được nghỉ giữa giờ ít nhất 30 phút, tính vào thời giờ làm việc.
Trong khi đó, Điều 104 Bộ luật 2012 quy định về thời giờ làm việc bình thường không quá 08 giờ/ngày và 48 giờ/tuần; không quá 06 giờ/ngày với người làm các công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.
Căn cứ các quy định trên, từ ngày 01/01/2021, người lao động chỉ cần làm việc theo ca liên tục từ 06 giờ trở lên thì đã được tính vào giờ làm việc (hiện nay phải làm công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm mới được tính).
Luật này được Quốc hội thông qua ngày 20/11/2019.