Nghị định 84/2007/NĐ-CP thúc đẩy việc cấp giấy chứng nhận và sự phát triển của thị trường bất động sản.

Bộ trưởng Mai Ái Trực khẳng định Nghị định 84/2007/NĐ-CP do Thủ tướng Chính phủ vừa ký ban hành về dung lượng không bằng Nghị đinh 181 nhưng giải quyết được rất nhiều vấn đề cụ thể đang "mắc" trong triển khai thi hành Luật Đất đai, rất cần thiết cho việc thúc đẩy cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cũng như bồi thường hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất, thúc đẩy sự phát triển của thị trường bất động sản.

 

Sáng 28/5 tại Hà Nội, Bộ trưởng đã có cuộc gặp mặt báo chí giới thiệu Nghị định 84/2007/NĐ-CP ngày 25/5/2007 "Quy định bổ sung về việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thu hồi đất, thực hiện quyền sử dụng đất, trình tự, thủ tục bồi thường, hỗ trợ; tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất và giải quyết về khiếu nại đất đai".

 

Bộ trưởng nêu rõ: Với 7 Chương và 68 Điều, Nghị định này đã giải quyết tương đối rốt ráo cả 3 mục tiêu là những vấn đề nhà đầu tư đang đặt ra, dân đặt ra, và cơ quan quản lý về đất đai đặt ra. Dành hẳn một Chương - Chương II - Quy  định cụ thể về một số trường hợp thực hiện quyền sử dụng đất và cấp giấy chứng nhận (GCN).

 

Bộ trưởng lưu ý một số điều ở Chương này. Như Điều 3, "Luật Đất đai có nói tới đất sử dụng ổn định, nhưng thế nào là đất ổn định? Có khi người ta hiểu sử dụng ổn định là một người sử dụng từ đó cho đến về sau, chứ còn chuyển cho người khác là không ổn định. Đó chính là mắc mớ khi cấp GCN. Điều 3 đã giải quyết vấn đề đó: Sử dụng ổn định là sử dụng cho một mục đích nhất định. Như vậy, từ 15/10/1993 đất đó người ta sử dụng với mục đích đất ở thì sau đó dù họ có chuyển sử dụng cho bao nhiêu người, có thay đổi chủ thì đất đó vẫn là đất ở", Bộ trưởng nói.

 

Ở Điều 4 quy định thời điểm xác định nghĩa vụ tài chính khi nộp hồ sơ xin cấp GCN, theo Bộ trưởng cũng cần quan tâm. Khi có chuyện thay đổi về giá đất, không thể buộc nộp tiền sử dụng đất, hoặc các nghĩa vụ tài chính ở thời điểm cấp GCN. "Nếu đã nộp hồ sơ xin cấp GCN vào đầu 2004, nhưng bây giờ mới cấp GCN thì không thể bắt người nộp thực hiện nghĩa vụ tài chính bằng với giá đất hiện nay mà phải là giá đất hồi năm 2004", Bộ trưởng ví dụ.

 

Về Điều 5 - Ghi nợ tiền sử dụng đất, Bộ trưởng nhắc lại Nghị định 198 không đặt vấn đề ghi nợ tiền sử dụng đất khi cấp GCN, sau đó Nghị định 17 có nêu vấn đề ghi nợ và phương thức là quy ra giá đất tại thời điểm cấp GCN. Còn cải tiến ở Nghị định 84 này là ghi nợ nghĩa vụ. Bộ trưởng giải thích: "Nếu chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính thì người được cấp GCN được ghi nợ nghĩa vụ. Nhưng khi chưa nộp đủ tiền sử dụng đất thì không có quyền chuyển nhượng, cho thuê, thế chấp. Người được cấp GCN trả nợ ở thời điểm nào thì tính giá đất theo thời điểm đó".

 

Đối với đất sản xuất nông nghiệp được đặc biệt quan tâm hiện nay, khi trao đổi với báo chí, Bộ trưởng cho biết Điều 8 - Cấp GCN đối với đất sản xuất nông nghiệp, đã giải quyết vấn đề đúng Luật Đất đai mà vẫn phù hợp với tình hình thực tế. Đó là quy định trường hợp đã thực hiện xong phương án cuối cùng của việc "dồn điền đổi thửa" thì cấp mới GCN cho từng thửa đất, phù hợp với quy định tại khoản 3 Điều 48 của Luật Đất đai. Nếu chưa "dồn điền đổi thửa" xong, người dân có nguyện vọng sẽ vẫn được cấp chung một GCN cho các thửa đất thuộc quyền sử dụng của họ. "Ta sửa cái đó là để phù hợp với nguyện vọng và thực tế của người dân", Bộ trưởng nói.

 

Điều 14 - Cấp GCN trong trường hợp đất do hộ gia đình, cá nhân sử dụng từ trước 15/10/1993 mà không có một trong các loại giấy tờ theo quy định tại khoản 1 Điều 50 Luật Đất đai, "là trường hợp phổ biến nhất trong các trường hợp cấp GCN", như lời của Bộ trưởng, đã giải thích khá rõ thế nào là "đất lấn chiếm" ở khoản 4. Bộ trưởng nêu rõ: Đó là đất vi phạm quy hoạch chi tiết xây dựng đã được cơ quan có thẩm quyền xét duyệt và công khai; đất lấn chiếm hành lang bảo vệ an toàn công trình công cộng đã được công bố, cắm mốc; lấn chiếm đất sử dụng cho mục đích công cộng, đất chuyên dùng, đất của tổ chức, đất chưa sử dụng và các trường hợp vi phạm khác đã có văn bản ngăn chặn nhưng người sử dụng vẫn cố tình vi phạm.

 

Điều 24 thuộc Chương III  "Quy định cụ thể về xử lý đối với một số trường hợp có thay đổi về quyền sử dụng đất", được Bộ trưởng đánh giá là hết sức quan trọng, khi cho phép tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài được nhận chuyển nhượng dự án có sử dụng đất của tổ chức kinh tế trong nước. Như dự án đầu tư kết cấu hạ tầng khu công nghiệp, dự án đầu tư sản xuất kinh doanh; dự án đầu tư xây dựng kinh doanh nhà ở đã hoàn thành đầu tư xây dựng đồng bộ hạ tầng dùng chung của dự án. Bộ trưởng nhận định: "Cách xử lý này hay vì đúng Luật mà rất linh hoạt". Quan trọng là thời gian sử dụng đất trước khi chuyển nhượng, nếu có nguồn gốc đất được sử dụng ổn định lâu dài thì thời gian thuê đất là 70 năm chứ không vô hạn. Và nếu có nhu cầu sẽ được gia hạn nhưng không phải nộp tiền thuê đất cho thời gian được gia hạn. Như vậy là công bằng giữa người thuê đất trong nước và nước ngoài.

 

Riêng đối với Chương V quy định Trình tự, thủ tục thu hồi và thực hiện việc bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất cũng được đánh giá rất quan trọng, khi quy định các bước rất cụ thể. "Bởi vì hiện nay chúng ta thu hồi đất chưa có quy trình chặt chẽ. Theo Nghị định 197 có nói nhưng không rõ. Kỳ này Nghị định nói rất rõ: Phương án tổng thể thế nào, phương án cụ thể ra làm sao, tham gia thế nào, đã giải quyết nhiều vấn đề vướng mắc trong thu hồi đất", Bộ trưởng nói.

 

Trong khi trao đổi với báo giới, Bộ trưởng Mai Ái Trực nhiều lần nhắc tới nội dung Nghị định này đã giải quyết những vấn đề lớn hơn nhiều so với Nghị định 181. Theo Bộ trưởng, có một tình hình là khi giao lưu trực tuyến, dân phản ánh đất của họ có diện tích nhỏ quá, địa phương không cấp GCN. Tất nhiên cần phải quy định mảnh đất tối thiểu để cấp GCN, nhưng phải quy định hợp lý. Bộ trưởng nói: "Điều 17 quy định, kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành, những trường hợp tách thửa nhỏ hơn sẽ không được cấp giấy, nhưng trước khi văn bản có hiệu lực thi hành thì phải cấp".

 

Với việc ban hành Nghị đinh 84/2007/NĐ-CP, việc xử lý các vấn đề tranh chấp đất đai được xem là cực kỳ quan trọng cũng đã được quy định cụ thể tại Chương VI - Bổ sung một số quy định đối với giải quyết khiếu nại về đất đai, phù hợp với pháp luật sửa đổi Luật Khiếu nại, tố cáo.

 

Bộ trưởng Mai Ái Trực cũng cho biết, đối với việc sử dụng đất và cấp GCN đối với đất dự án xây khu đô thị, khu dân cư nông thôn và các khu sản xuất, kinh doanh có nhiều mục đích sử dụng đất khác quy định ở Điều 20 Nghị định này, Bộ đang soạn thảo văn bản hướng dẫn, một vài ngày tới sẽ ban hành Thông tư hướng dẫn để khi Nghị định có hiệu lực, đảm bảo có Thông tư hướng dẫn thi hành.

 

 

(Luật Việt Nam)

 

 

Chia sẻ:
Đánh giá bài viết:

Để được giải đáp thắc mắc, vui lòng gọi

19006192

Theo dõi LuatVietnam trên YouTube

TẠI ĐÂY

Tin cùng chuyên mục

Điểm tin VBPL tuần từ 15/11 - 21/11/2024

LuatVietnam gửi đến quý độc giả điểm tin VBPL tuần từ 15/11 - 21/11/2024 với các nội dung nổi bật liên quan đến Luật Hành chính, Luật Ngân hàng, Luật Dân sự.