Việc cấp tín dụng hợp vốn được thực hiện trên cơ sở tham gia tự nguyện của các thành viên; theo nguyên tắc cùng thẩm định, cùng quyết định cấp tín dụng cho khách hàng và cùng tự chịu trách nhiệm về kết quả hoạt động cấp tín dụng của mình. Các thành viên tham gia cấp tín dụng hợp vốn đóng góp vốn theo tỷ lệ tham gia được quy định trong hợp đồng hợp vốn, được hưởng các lợi ích và chia sẻ các chi phí, rủi ro phát sinh được quy định trong hợp đồng hợp vốn.
Thành viên đầu mối cấp tín dụng hợp vốn có thể đóng vai trò là thành viên đầu mối dàn xếp cấp tín dụng hợp vốn, thành viên đầu mối thanh toán, thành viên đầu mối nhận tài sản bảo đảm; các tổ chức tín dụng nước ngoài không được thực hiện vai trò là thành viên đầu mối cấp tín dụng hợp vốn, thành viên đầu mối thanh toán và thành viên đầu mối nhận tài sản bảo đảm.
Các hình thức cấp tín dụng hợp vốn gồm: Cho vay hợp vốn; hợp vốn để bảo lãnh; hợp vốn để chiết khấu; cho thuê tài chính hợp vốn; hợp vốn để thực hiện bao thanh toán; hợp vốn để thực hiện việc kết hợp các hình thức cấp tín dụng nêu trên và hợp vốn để cấp tín dụng theo hình thức khác.
Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 15/12/2011 và thay thế Quyết định số 268/2002/QĐ-NHNN ngày 03/04/2002 về việc ban hành Quy chế đồng tài trợ của các tổ chức tín dụng; Quyết định số 886/2003/QĐ-NHNN ngày 11/08/2003 và Thông tư số 08/2006/TT-NHNN ngày 12/10/2006.
- LuậtViệtnam