Theo Thông tư này, Ngân hàng hợp tác xã, quỹ tín dụng nhân dân được xem xét, cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ như đã được phân loại trước khi cơ cấu lại thời hạn trả nợ khi đáp ứng đủ các điều kiện như: Khoản nợ mà việc cấp tín dụng không vi phạm quy định của pháp luật; việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ là phù hợp với mục đích của dự án vay vốn trong hợp đồng tín dụng; khách hàng sử dụng vốn vay đúng mục đích đã thỏa thuận trong hợp đồng tín dụng; cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ chỉ được thực hiện khi khách hàng không có khả năng trả nợ đúng kỳ hạn trả nợ gốc…; khi cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ, Ngân hàng hợp tác xã, quỹ tín dụng nhân dân đáp ứng các quy định của Ngân hàng Nhà nước về giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động…
Bên cạnh đó, Ngân hàng hợp tác xã, quỹ tín dụng nhân dân khi thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ phải đảm bảo thực hiện một số yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước; trong đó có yêu cầu: Đã ban hành quy định nội bộ về kiểm soát, giám sát đối với việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ; kiểm soát nội dung, lý do cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ đối với từng khoản nợ; chủ động, tự quyết định và chịu trách nhiệm về việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ; phải thường xuyên rà soát, đánh giá khả năng trả nợ của khách hàng sau khi khoản nợ được cơ cấu lại thời hạn và giữ nguyên nhóm nợ; với một khoản nợ, việc thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ chỉ được thực hiện 01 lần; trong thời hạn 05 năm, Ngân hàng hợp tác xã, quỹ tín dụng nhân dân phải gửi báo cáo tới Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước) về tình hình thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ vào ngày đầu tiên của mỗi tháng hoặc khi có yêu cầu.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 22/05/2014.
- LuậtViệtnam