Mục tiêu cụ thể của quy hoạch là đầu tư xây dựng Sân bay Long Thành với chức năng trung chuyển trong khu vực Đông Nam Á, có khả năng cạnh tranh với các cảng hàng không lớn trên thế giới, tiếp nhận được các máy bay A380-800 hoặc tương đương, công suất 100 triệu hành khách/năm và 5 triệu tấn hàng hóa/năm.
Trong đó, cấp Sân bay là 4F (theo phân cấp của Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế - ICAO); nhà ga hành khách có tính chất là ga quốc tế và quốc nội, 02 cao trình. Đến năm 2020 nhà ga có công suất 20 triệu hành khách/năm; đến năm 2030 gồm 02 nhà ga có tổng công suất 50 triệu hành khách/năm; giai đoạn sau 2030, gồm 04 nhà ga có tổng công suất 100 triệu hành khách/năm.
Nhà ga hàng hóa đến năm 2020 có công suất 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm; đến năm 2030 công suất 1,5 triệu tấn hàng hóa/năm và giai đoạn sau năm 2030 nhà ga có công suất 5 triệu tấn hàng hóa/năm.
Cũng trong Quyết định này còn có quy hoạch khu bay; quy hoạch giao thông đường bộ, đường sắt kết nối với sân bay; quy hoạch các công trình Quốc phòng; quy hoạch sử dụng đất đai trên tổng diện tích 5.000 ha cũng như phương án đền bù, giải phóng mặt bằng.
Kế hoạch đầu tư được chia làm 03 giai đoạn, trong đó, Giai đoạn 1 (2015 - 2020) đầu tư xây dựng 02 đường hạ cất cánh, hệ thống đường lăn, sân đỗ máy bay, khu điều hành khai thác, khu quản lý hoạt động bay, khu phụ trợ, nhà ga hành khách, nhà ga hàng hóa, khu công nghiệp hàng không và thành phố sân bay phát triển theo nhu cầu để đến năm 2020 có thể bước đầu đưa vào khai thác sử dụng.
Tổng mức đầu tư Giai đoạn 1 là 6.744,7 triệu USD trong đó, tổng chi phí cây dựng là 6.048,2 triệu USD; chi phí đền bù, giải phóng mặt bằng xấp xỉ 696,5 triệu USD (giá trị chuyển đổi 1 USD = 20.000 VNĐ)…
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.
- LuậtViệtnam