Trong đó, năm 2012 nhiệm vụ ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội và đời sống nhân dân tiếp tục là nhiệm vụ trọng tâm trong điều hành kinh tế xã hội và tài chính ngân sách của Chính phủ; giảm tỷ lệ bội chi NSNN so với năm 2011, quản lý nợ trong phạm vi an toàn.
Dự toán thu NSNN năm 2012 phải được xây dựng trên cơ sở bám sát dự báo tình hình đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh, sự phục hồi của nền kinh tế và hoạt động xuất nhập khẩu năm 2012; tính đúng, tính đủ, kịp thời các khoản thu ngân sách theo các chính sách, chế độ hiện hành và những chế độ, chính sách mới sẽ có hiệu lực thi hành từ năm 2012.
Đồng thời, dự toán thu NSNN phải xây dựng tích cực, vững chắc, có tính khả thi cao với mức động viên đạt khoảng 24% GDP, trong đó thu thuế và phí đạt khoảng 23% GDP. Dự toán thu nội địa tăng bình quân tối thiểu 16 - 18% so với đánh giá ước thực hiện năm 2011 tùy theo đặc điểm, điều kiện của từng địa phương; dự toán thu từ hoạt động nhập khẩu tăng tối thiểu 7% so với đánh giá ước thực hiện năm 2011.
Dự toán chi NSNN được xây dựng trên cơ sở hệ thống tiêu chí và định mức phân bổ NSNN năm 2011; các quy định của pháp luật về chính sách, chế độ chi tiêu ngân sách hiện hành và yêu cầu kinh phí thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ quan trọng, chiến lược của đất nước dự kiến thực hiện năm 2012.
Cũng theo Thông tư này, Bộ Tài chính yêu cầu Bộ, ngành và địa phương tiếp tục thực hiện sắp xếp các khoản chi theo hướng tiết kiệm, hiệu quả; đảm bảo kinh phí phát triển các lĩnh vực giáo dục - đào tạo; khoa học - công nghệ, y tế, văn hóa, bảo vệ môi trường theo các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội; bảo đảm an sinh xã hội; tăng dự trữ nhà nước để chủ động phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh; bố trí kinh phí đảm bảo tiếp tục thực hiện cải cách tiền lương…
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 31/07/2011; quy trình và thời gian lập dự toán ngân sách nhà nước năm 2012 được thực hiện theo quy định của định của Luật NSNN và các văn bản hướng dẫn.
- LuậtViệtnam