Buổi làm việc chiều 29/9 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2006, đã thống nhất: năm 2006 sẽ sửa đổi Luật tổ chức Quốc hội và ban hành, cho ý kiến một số luật quan trọng khác.
Sửa Luật tổ chức QH: 2 năm bỏ phiếu tín nhiệm 1 lần?
Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Ngọc Thanh cho rằng, cần sửa các luật liên quan đến bộ máy nhà nước trước khi tiến hành bầu cử Quốc hội khoá mới vào giữa năm 2007.
Về Luật tổ chức Quốc hội, theo ông Thanh, có 3 vấn đề cần xem xét, sửa đổi bổ sung là: số lượng các Uỷ ban của Quốc hội, tỷ lệ và số lượng đại biểu Quốc hội chuyên trách, vấn đề bỏ phiếu tín nhiệm các chức danh Quốc hội bầu, phê chuẩn.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn Yểu hé mở thay đổi về tổ chức Uỷ ban của Quốc hội. Có thể Uỷ ban Kinh tế và Ngân sách được tách thành Uỷ ban Tài chính ngân sách và Uỷ ban Kinh tế; Uỷ ban Pháp luật được tách thành Uỷ ban Tư pháp và Uỷ ban Pháp luật.
Về số lượng đại biểu chuyên trách, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách gần đây đã đánh tiếng rằng, cần tăng số lượng đại biểu Quốc hội chuyên trách từ khoảng 25% hiện nay lên 50%, bằng với số đại biểu Quốc hội kiêm nhiệm.
Hiện nay, với yêu cầu đủ 20% đại biểu Quốc hội có đề nghị bỏ phiếu tín nhiệm, hoặc Hội đồng dân tộc, các Uỷ ban, UBTVQH có kiến nghị, Quốc hội sẽ tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm các chức danh Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Tuy nhiên, nhiều đại biểu Quốc hội đánh giá, quy định này khó khả thi trong thực tế. Gần đây, Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc VN khi góp ý cho Luật phòng, chống tham nhũng đã kiến nghị bỏ phiếu tín nhiệm hàng năm đối với các chức danh do Quốc hội bầu.
Về vấn đề này, một thành viên UBTVQH cho rằng, nếu bỏ phiếu tín nhiệm thì trong một nhiệm kỳ của Quốc hội (7 năm), nên cách 2 năm bỏ phiếu tín nhiệm một lần. Ngoài ra, đại biểu Quốc hội, các Uỷ ban, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội vẫn có quyền đề nghị bỏ phiếu tín nhiệm nếu thấy chức danh Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn có sai phạm, không còn xứng đáng với tín nhiệm của nhân dân và đại biểu Quốc hội.
Về bộ máy nhà nước, ông Nguyễn Văn Yểu cũng lưu ý TANDTC chuẩn bị cho việc sửa đổi Luật tổ chức TAND theo tinh thần cải cách tư pháp mà Bộ Chính trị đã thông qua. Theo đó, Tòa sơ thẩm sẽ lập theo khu vực thay vì cấp huyện nào cũng có một tòa; tòa thượng thẩm (các tòa phúc thẩm của TANDTC hiện nay) tách khỏi TANDTC.
Cuối năm 2006, Quốc hội cho ý kiến về Luật trưng cầu ý dân
Một số luật nhạy cảm, khá sát sườn với người dân cũng được đưa ra bàn thảo tại Hội nghị. Về Luật trưng cầu ý dân, Chủ tịch Hội luật gia VN Phạm Quốc Anh, nơi được giao chủ trì soạn thảo, đã nói lên cái khó trong việc dự thảo: nhiều khái niệm, vấn đề còn tranh cãi, chưa đi đến thống nhất. Hội luật gia cũng được giao dự thảo Luật về hội, nhưng cũng đang rất băn khoăn về việc xếp các hội hiện nay vào loại hình nào, tổ chức chính trị - xã hội, hay tổ chức xã hội nghề nghiệp...
Theo Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại của Quốc hội Vũ Mão, những luật này tuy nhạy cảm nhưng hết sức cần thiết. Ông kiến nghị cần ''dấn'' làm sớm các luật này, nếu còn nhiều vấn đề chưa thống nhất thì cần phải lấy ý kiến rộng rãi trong nhân dân, các tổ chức đoàn thể và học tập cả kinh nghiệm của nước ngoài.
Cho rằng cần sớm ban hành Luật về hội, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế và Ngân sách Nguyễn Đức Kiên nêu lý do: Hiện nay, các hội rất nhiều, mà ''nuôi'' các hội vẫn chủ yếu lấy nguồn từ ngân sách nhà nước, cần phân loại rõ các hội để có cơ sở phân bổ ngân sách. ''Ngay cả ngân sách dự phòng nói không chi cho các hội nhưng thực tế vẫn phải lấy ra chi cho các hội'', ông phản ánh.
Thay mặt Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn Yểu đề nghị cho giữ Luật về hội cho ý kiến tại kỳ họp đầu năm 2006, thông qua vào cuối năm. Riêng dự án Luật trưng cầu ý dân trình lần đầu ra Quốc hội cuối năm 2006.
Một dự luật cũng bị coi là khó là dự án Luật dân tộc. Bộ trưởng Tư pháp Uông Chu Lưu đã xem qua dự thảo, cho biết, đây là luật khá nhạỵ cảm, nhiều vấn đề vẫn chưa được định hướng rõ, còn rất chung chung.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn Yểu lưu ý, Hội đồng dân tộc và Uỷ ban dân tộc của Chính phủ cần bắt tay nhau dự thảo luật này. Thời gian cho luật này sẽ được ''giãn'' thêm, dự kiến luật này sẽ được trình ra Quốc hội vào cuối năm 2006, thông qua năm 2007.
Không thể hoãn làm Luật thuế thu nhập cá nhân
Về luật thuế thu nhập cá nhân, Bộ trưởng Uông Chu Lưu đã nói hộ cho Bộ Tài chính, năm 2006 Bộ này bận soạn thảo tới 8 dự án luật nên có ý muốn hoãn. Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn Yểu đề nghị sớm ban hành luật này, theo kế hoạch là trình ra Quốc hội vào đầu năm 2006, thông qua vào cuối năm.
''Khi xem xét thông qua Pháp lệnh thuế thu nhập cao, UBTVQH đã rất thiết tha sớm có Luật thuế thu nhập cá nhân nên không thể trì hoãn'', ông nói.
Theo dự kiến chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2006, Quốc hội sẽ thông qua 25 dự án luật, cho ý kiến 25 dự án luật; UBTVQH xem xét thông qua 7 dự án pháp lệnh.
Ngoài những dự án nói trên, năm 2006, đáng chú ý Quốc hội sẽ cho ý kiến và thông qua Luật đê điều; ban hành Nghị quyết về cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước (có ý kiến đề nghị ban hành dưới hình thức luật); thông qua các Luật thể dục thể thao, Luật đặc xá, Luật tiêu chuẩn hoá; cho ý kiến về Luật phòng, chống bạo lực trong gia đình...
Chương trình xây dựng luật, pháp luật năm 2006 nói trên sẽ được trình ra Quốc hội cho ý kiến và thông qua tại kỳ họp Quốc hội tới (dự kiến khai mạc 18/10).
(Theo VietNamNet)